Sau hàng trăm năm tồn tại trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử thì tín ngưỡng thờ Mẫu mà tiêu biểu là nghi lễ hầu đồng dần bị thay đổi, bị biến dạng cả về bản chất không còn giữ được quy chuẩn của thuở ban đầu. Với cái nhìn cởi mở hơn của xã hội tín ngưỡng thờ mẫu và hầu đồng ngày càng có chiều hướng phát triển rộng hơn. Tuy nhiên cùng với đó những vấn đề về thương mại hóa, sân khấu hóa, làm sai lệch trong nghi lễ hầu đồng, lợi dụng nghi lễ… đã diễn ra. Phải làm thế nào để bảo tồn đúng giá trị truyền thống khi thực hành nghi lễ hầu đồng, nhất là khi nghi lễ hầu đồng đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là vấn đề cần được giải quyết.

Nét đẹp trong văn hóa thờ Mẫu của người Việt

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương của nước ta, trong đó Nam Định được coi là trung tâm thờ cúng Thánh Mẫu. Hoạt động nổi bật của Tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ hầu đồng, mang giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Nó là kho tàng truyền thuyết,  huyền thoại về thần linh. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa thông qua hình thức hát văn, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn. Điều này đã khẳng định những giá trị to lớn của di sản đồng thời góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và thế giới. Cùng với việc được vinh danh vấn đề đặt ra hiện nay là trách nhiệm của chúng ta trong việc tuyên truyền để người dân, những người thực hành tín ngưỡng nhận thức đúng giá trị di sản từ đó gìn giữ, phát huy nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu để đạo Mẫu xứng tầm là di sản và là niềm tự hào của người Việt.

Lên đồng nghi thức đặc trưng của thờ Mẫu trong đạo Tam phủ

Lên đồng hầu bóng có nguồn gốc từ sự hỗn hợp của khá nhiều yếu tố vốn dĩ lưu truyền trong dân gian từ rất xa xưa ở Trung Quốc và có lẽ du nhập vào Việt Nam khoảng thời Bắc thuộc và lưu hành trong dân gian với các hình thức gọi hồn, nhập hồn về sau được sử dụng trong thờ Mẫu Tam phủ như một phương cách để tiếp nhận linh hồn Thánh Mẫu. Nghi thức lên đồng còn du nhập cả các điệu thức trong múa bóng thờ thần của người Chăm do sự thâu hóa văn hóa Chăm của người Việt trong khoảng thế kỷ X- XV để rồi đến thế kỷ XVI – XVII khi tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu thịnh hành thì những yếu tố này được cấu thành lại mà làm thành diễn xướng nghi lễ lên đồng như chúng ta thấy ngày nay. Nghi lễ lên đồng xưa cũng như nay đều có những giá trị đặc thù về nhiều mặt như lịch sử, văn hóa, tôn giáo, y học và có sự tham gia của nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc,  nghệ thuật biểu diễn trang phục, âm nhạc, ca từ, diễn xuất đóng vai… Các lời ca từ hát văn đều là những truyền thuyết, thần tích, giai thoại đẹp đẽ kể về công lao của các vị thần. Đặc biệt từ phương diện y học cho đến tâm lý bệnh học, khi thực hành nghi lễ lên đồng, các Căn Đồng xưa hoặc các Thanh Đồng nay khi ở vào không gian tôn giáo, dưới tác động của âm nhạc, chất kích thích, màu sắc, hương, lửa… rất có thể đạt đến trạng thái cảm xúc được phóng thích các huyệt đạo được khai mở mà xuất hiện trạng thái hưng phấn cao độ. Nói cách khác, trong trạng thái lên đồng thì hoạt động ý thức yếu đi và thu hẹp giao diện, nhường chỗ cho hoạt động vô thức chiếm ưu thế mà tạo ra trạng thái ngây ngất. Không hiếm trường hợp nghi lễ hầu đồng tạo ra trạng thái hưng phấn khác thường trong và sau đó khiến nhiều cá nhân mắc các chứng bệnh thần kinh nhưng có thể khỏi bệnh. Điểm đặc biệt này của một số Thanh đồng khi thực hành nghi lễ đã tạo ra quyền uy cho cá nhân họ với vai trò người trung gian của nghi lễ. Từ đây dẫn đến sự ngộ nhận của nhiều Thanh đồng, và cũng kéo theo hệ lụy không ít cho những người cuồng tín nếu như những Thanh đồng cố tình lợi dụng thực hành nghi lễ để phục vụ lợi ích cá nhân.

Bảo tồn và phát huy nghi lễ hầu đồng theo đúng cách

Cần xây dựng quy ước cho việc tổ chức nghi lễ lên đồng

Để Tín ngưỡng thờ Mẫu giữ được những giá trị truyền thống và phù hợp với thuần phong mỹ tục theo nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa thì cần xây dựng quy ước cho việc tổ chức nghi lễ lên đồng từ lễ vật cung tiến, hàng mã, phục trang, hóa trang, vũ đạo, âm nhạc cho đến cách thức ban phát lộc thánh… để tiến tới xây dựng những vấn hầu thanh lịch tránh phô diễn, khoe khoang giàu có, trục lợi cá nhân trong các hoạt động liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu đồng là phải chuẩn không được biến dạng, kể cả biến dạng về động tác hay biến dạng cả về lời hát văn, đặc biệt là không được thương mại hóa và nếu như thế thì nó sẽ làm mất đi giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam. Cần phải tuyên truyền và quản lý, điều chỉnh cũng như góp ý kiến chứ không thể quản lý một cách thô bạo được vì văn hóa tín ngưỡng rất tế nhị và tâm linh

Loading...

Cần giáo dục đối với đội ngũ những người hành nghề của tín ngưỡng này

Quan trọng nhất vẫn là việc giáo dục đối với đội ngũ những người hành nghề của tín ngưỡng này và cũng phải để cho người dân người ta hiểu rất rõ, tín ngưỡng này không chỉ là có lên đồng mà còn rất nhiều thứ của nó như lễ hội, sáng tạo văn chương và nó còn có tình thương của người mẹ. Cho nên phải làm cho người dân nhận thức được, nhưng chính bản thân của ông đồng, bà đồng càng phải nhận thức được cái đó.

Các thành đồng cần phải bảo tồn những sắc thái cơ bản trong khăn áo truyền thống của các bậc tiền bối xưa

Trong những năm gần đây, trên thị trường lễ phục Hà Nội xuất hiện lễ phục thời trang lên đồng và được coi là dấu hiệu của quá trình hiện đại hóa lên đồng. Nếu nhiều dân tộc trên thế giới dùng mặt nạ để thể hiện sự hiện diện của các vị thánh, thì lên đồng ở Việt Nam dùng lễ phục thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh. Vì vậy việc may cắt đã được quy chuẩn hóa về màu sắc lễ phục, về khăn, mũ, áo và thắt lưng. Hiện nay có một số cửa hàng thời trang lễ phục lên đồng, trong đó có sự thay đổi về hình dáng lễ phục, hoa văn trang trí. Nhiều bộ thay đổi một cách thái quá khiến người xem không nhận ra chủ nhân của bộ lễ phục đó là vị thần nào. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân làm sai lệch các lễ thức trong đạo Mẫu.  Trong nhiều giá chầu hiện nay trang phục lối cổ gần như đã mai một như giá chầu ông Hoàng Mười, thanh đồng lại khoác thêm áo choàng ngoài. Trang phục hầu cô bé hiện nay là mặc áo tứ thân khăn lam, áo lục mà không mặc áo năm thân cài khuy cạnh, có thanh đồng lại mặc áo và khăn đen. Có thanh đồng giá chầu đệ Tứ lại lên khăn củ ấu giống chầu Thượng… Ngay cả trang sức cũng được các thanh đồng sử dụng chưa hợp lý. Chẳng hạn trong các giá chầu Thượng ngàn, thanh đồng lại dùng kiềng vàng thay cho kiềng bạc. Các giá quan có thanh đồng lại quên đeo thẻ ngà. Hầu như không có bộ xà tích được dùng trong việc hầu thánh… Do sự thay đổi cuộc sống cho nên trang phục nghi lễ hầu đồng ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, các thành đồng cần phải bảo tồn những sắc thái cơ bản trong khăn áo truyền thống của các bậc tiền bối xưa. Việc phát huy cần đúng mức độ để không bị biến thái. Đồng thời chính các thanh đồng vẫn phải dựa vào những câu hát văn miêu tả trang phục của các vị thánh để có sắc màu, hình thái trang phục cho phù hợp không nên thay đổi theo ý thích riêng của mình.

Khi người ta thừa nhận nghi lễ hầu đồng là nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam thì vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu hay những người quan tâm đến nghi lễ hầu đồng là làm thế nào để nghi lễ này đi đúng quỹ đạo như vốn có của nó. Rất nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để tìm hướng đi cho phù hợp. Nhưng trước hết, đó vẫn là ý thức của các thanh đồng, cung văn bởi họ là những người thực hành nghi lễ, nắm giữ nghi lễ và giới thiệu giá trị văn hóa của Việt Nam đến với đông đảo nhân dân và cả ra thế giới.

Loading...