Chùa Ba Vàng có tên chữ là Bảo Quang Tự tọa lạc ở độ cao 340m trên núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam bởi địa thế vô cùng đẹp: phía trước nhìn ra sông Bạch Đằng, phía sau lưng tựa vào núi, hai bên là rừng thông bát ngát xanh, lại có mạch phong thủy bắt nguồn từ chùa Đồng Yên Tử với địa hình hạ đoạn tạo thành thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ rất hùng vĩ. Cảnh quan và kiến trúc của chùa cũng nguy nga, tráng lệ không kém: Rất nhiều tiểu cảnh được xây dựng trên đường bộ đi lên chùa và trong khuôn viên nhà chùa. Nhìn từ trên cao xuống, không gian cảnh trí ngôi chùa hiện ra trước mắt ta như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, một kiệt tác hiếm có của tạo hóa!

Chùa Ba Vàng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngôi chùa có tòa chính điện lớn nhất Đông Dương, chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất Việt Nam và là ngôi chùa sở hữu bộ sách tâm linh gồm 10 pho đại sách xác lập 3 kỷ lục: Việt Nam, Châu Á và thế giới. Hiện chùa còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử và văn hoá nghệ thuật với những di vật được tìm thấy bằng đá, gốm, sứ có niên đại từ thế kỷ XIII, XIV (thời nhà Trần).

Lịch sử hình thành chùa

Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ khai quật được từ lòng đất tại nền chùa cũ có tìm thấy những viên ngói đất nung hình lòng máng màu phớt hồng với kích thước 30x15cm, mũi ngói giống mũi của chiếc hài. Những viên gạch đất nung lát nền có kích thước 40x40cm, toàn bộ viên gạch được trang trí bằng một bông hoa bốn cánh (loại hoa văn đời Trần). Tất cả các viên ngói, viên gạch, mảnh sành tìm thấy đều mang đậm nét văn hóa đời Trần. Chứng tỏ vào đời nhà Trần, nơi đây đã từng tồn tại một ngôi chùa nhưng không rõ lý lịch cụ thể về Sư tổ khai sơn và tên gọi cũ của ngôi chùa.

Cuộc nội chiến Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn phân tranh khiến nhân dân khủng hoảng niềm tin với nhà nước phong kiến, họ khao khát đón nhận trở lại ánh hào quang Phật giáo. Nhưng nhà cầm quyền phong kiến thời bấy giờ lại đề cao đạo Lão, đạo Khổng, ít chú ý đến đạo Phật. Chính lúc này, Đại Thiền sư Tuệ Bích đã xây dựng nên Bảo Quang Tự (1706) như thắp sáng niềm tin, nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn (hiện nay trên cây hương đá trước cửa chùa vẫn còn ghi). Song do thời gian và các cuộc chiến tranh tàn phá liên miên, ngôi chùa xưa chỉ còn là phế tích, nằm ẩn sâu trong lòng núi, quanh ngôi chùa chỉ còn lại rừng cây bao phủ.

Năm 1987, một lão nông địa phương bị mất một đàn bò. Lão lang thang khắp vùng để tìm kiếm, trong lòng luôn cầu trời, niệm phật xin cứu giúp. Đêm đến, lão nông nằm mơ thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ hiện ra và nói: “Con cứ lên núi Ba Vàng tìm khắc thấy đàn bò”. Dù bán tín bán nghi nhưng do tiếc của, ông lão quyết tâm theo đường mòn leo dốc đi lên núi. Khi đến độ cao hơn 300 mét thấy có mặt bằng trải rộng, ông lão ngồi nghỉ và phát hiện ra những bậc thềm xây tam cấp bằng gạch. Lão về loan báo để dân làng biết. Và cũng chính lúc này đàn bò bỗng trở về nhà không thiếu một con. Do sự ngẫu nhiên linh ứng nên dân làng nô nức kéo nhau lên núi và tìm thấy những hiện vật khác như: Cây hương đá (thiên đài trụ) được tạc bằng đá nguyên khối, trên đỉnh cây hương là hình bát sen. Cây hương hình chữ nhật với kích thước cao 1m45, rộng 0.29m, dày 0.25m. Bia đá được làm vào thời Lê Dụ Tông (1706) kích thước 0.70m, rộng 0.45m, dày 0.14m dựng trên đế rùa cao 0.40m, dày 0.94m, rộng 0.70m. Sau phát hiện của lão nông, các nhà nghiên cứu khoa học mới vào cuộc để tìm hiểu gốc tích của công trình này.

Loading...

Từ khi được phát hiện vào năm 1987, ngôi chùa vẫn bình lặng chứng kiến những đổi thay của thời gian, không có vị trụ trì nào. Con đường dẫn lên núi ngày một rậm rạp, Chùa Ba Vàng khi ấy vẫn là một đống phế tích hoang tàn và lạnh lẽo.

Để phát huy giá trị văn hóa lịch sử, ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ năm 1988 và đến năm 1993 chùa được trùng tu một lẫn nữa bằng xi măng sắt thép với diện tích 55m2. Chùa khi ấy có bố cục chữ Đinh, gồm ba gian tiền đường và một gian thượng điện, ngoài ra còn có nhà thờ Mẫu, miếu Sơn Thần, đặc biệt là giếng nước cổ có từ lâu đời.

Hiện vật có giá trị nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá, 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc. Tuy nhiên, qua cách trình bày, có thể thấy đây là văn bia ghi tên tuổi của một nhà sư từng trụ trì nơi đây và xá lị của ông đã được đặt trong một tháp mộ nào đó của chùa. Riêng cây hương bằng đá, phần lớn chữ ở mặt bia đã bị phai mờ, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia ghi các chữ: Thành Đẳng sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ. Nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.

Đến năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh (đệ tử của Hòa thượng Thích Thanh Từ, khi đó đang là trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử) đã được chính quyền và nhân dân địa phương tha thiết thỉnh cầu về làm trụ trì chùa Ba Vàng.

Đứng trước ngôi chùa hoang tàn, xuống cấp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh bỗng thấy trong lòng dâng lên một cảm giác rất lạ kỳ, bất chợt thấy giếng nước trong khuôn viên chùa trước đây luôn khô cạn bỗng đầy ắp nước trở lại. Cho là điềm báo, Đại Đức quyết tâm gây dựng lại ngôi chùa từ hai bàn tay trắng. Đại Đức đã cùng các đệ tử kêu gọi du khách thập phương đóng góp công sức tiến hành mở đường và trùng tu lại ngôi chùa.

Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh những ngày đầu mở đường lên chùa Ba Vàng

Tháng 1 năm 2011, để đáp ứng nhu cầu tu học của đông đảo Tăng Ni, Phật tử và hoằng dương Phật Pháp, ngôi chùa một lần nữa được khởi công xây dựng lần thứ 4 với quy mô to lớn khang trang. Theo quy hoạch, chùa được xây dựng trên diện tích gần 22ha, trong đó đất xây dựng công trình là gần 1.2ha, đất cây xanh cảnh quan là hơn 16ha, đất hạ tầng kỹ thuật là khoảng 3,4ha. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 280 tỷ đồng. Nguồn vốn hoàn toàn được huy động từ công tác xã hội hóa bằng sự đóng góp công đức của Tăng Ni, Phật tử, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khắp nơi.

Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 9/3/2014 chùa Ba Vàng tổ chức Đại Lễ Khánh Thành và nhận bằng kỷ lục “Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương”, thời điểm này chùa đã hoàn thiện một số hạng mục như: Ngôi Đại Hùng Bảo Điện (4500m2), Lầu Chuông (112 m2), Lầu Trống (112 m2), Hành Lang La Hán (200m2), Nhà Bảo Tàng (700 m2), Thư Viện (700 m2), Khu Nhà Tăng (1600 m2), Thiền Đường (960 m2), Cổng Đá, Cổng Tam Quan Trung, Cổng Tam Quan Nội, và một số công trình phụ… Tổng kinh phí xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình kiến thiết, xây dựng chùa Ba Vàng tính đến thời điểm này là gần 500 tỷ đồng.

Cảnh quan và kiến trúc chùa Ba Vàng

Chùa Ba Vàng nằm ở phía tây thành phố Uông Bí, lưng tựa vào núi Thành Đẳng vững chắc, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn với muôn trùng sóng vỗ. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống. Xung quanh được bao phủ bởi rừng cây bát ngát xanh. Đúng là một địa thế hiếm có: “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ”.

Chùa Ba Vàng Quảng Ninh
Chùa Ba Vàng có địa thế tuyệt đẹp về phong thủy

Đường lên chính điện chùa Ba Vàng có 3 cổng tam quan: một cổng chào trên đường mòn dải nhựa đi lên chùa, một cổng tam quan trung trước bãi đỗ xe ở lưng chừng núi và một cổng tam quan nội dẫn đến chính điện.

Tận dụng mạch nước nguồn trong vắt trong khe đá tự nhiên từ trên núi, nhà chùa đã khéo léo thiết kế thành những thác nước nhân tạo sơn thủy hữu tình hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên của cõi thiền. Từ chân núi Thành Đẳng qua cổng tam quan trung theo con đường bê tông dốc dài khoảng hơn 200m, leo lên hơn 200 bậc đá ong uốn lượn quanh co cùng với hệ thống hòn non bộ như nâng bước chân du khách trong hành trình tham quan lễ Phật.

Tam quan nội được thiết kế theo kiểu đình chùa Bắc Bộ, gồm 3 cửa hình vòm (cửa ở giữa lớn nhất). Mặt trước Tam quan nội có khắc nổi câu đối bằng chữ Hán, phía trên 3 cửa là 3 lầu chuông lợp ngói, các góc mái gắn tượng linh vật Long, Ly, Quy, Phượng. Tam quan nội nhìn ra hồ nước hình bán nguyệt có bố trí ghế đá, tiểu cảnh, cây xanh. Giữa hồ là biểu tượng chùa Một Cột (một trong những công trình tiêu biểu của kinh thành Thăng Long thế kỷ XI) được lấy theo nguyên mẫu của ngôi chùa chính tại Hà Nội. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, ngôi chùa như một đóa sen nổi trên mặt nước, các nét cong mềm mại của mái, các nét khỏe khoắn của cột và nét gấp khúc của các con sơn chủ chống xung quanh tạo nên sự hài hòa với những khoảng sáng tối ẩn hiện lung linh trong không gian tĩnh tại, thâm nghiêm.

Bước Tam quan nội theo hành lang có chiều dài hơn 130m và chiều cao sàn nâng dần theo độ dốc của sườn núi, dọc theo hành lang hai bên sân chùa là lầu trống, gác chuông được thiết kế hai tầng với 8 mái liên hoàn, tạo thuận lợi cho các nhà sư hành đạo và các Phật tử về chiêm bái.

Hai gian la hán đường với 18 tượng La Hán được tạc bằng đá nguyên khối, mỗi 1 vị la hán là hiện thân của các hỉ nộ ái ố của con người được các thợ chạm khắc vô cùng sống động. Cùng với đó là hệ thống những hoành phi câu đối được sơn son thiếp vàng, những bức tranh bằng đá trạm khắc hoa văn tinh xảo mang đậm dấu ấn văn hóa đời Trần góp phần cho ngôi chùa thêm hoành tráng, rực rỡ.

Song quy mô và hoành tráng nhất phải kể đến tòa Đại Hùng Bảo Điện hay còn gọi là chùa chính (chính điện) có kiến trúc 2 tầng, quy mô rộng hơn 4000m2. Đây là ngôi chính điện đã được Tổ chức kỷ lục Đông Dương công nhận là “Ngôi chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương”. Nét nổi bật của tòa chính điện là toàn bộ kiến trúc cột, kèo, vỉa, mái, xà đều được làm bằng bê tông cốt thép nhưng được sơn vân gỗ nên nhìn bằng mắt thường thì ngôi chùa vẫn mang dáng dấp thuần Việt. Các đầu mái đao được đắp nổi các con vật thuộc hàng tứ linh (Long Ly Quy Phượng). Trên bức tường giáp mái là những bức tranh khổ lớn mô phỏng cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi mới sinh, xuất gia, đắc đạo, truyền giáo cho đến khi nhập niết bàn.

Chùa Ba Vàng có nơi thờ Tam bảo và trống độc mộc được công nhận là lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó là hệ thống tượng pháp trong chùa đều được làm bằng gỗ có kích thước to lớn như tượng Tam thế, Quan âm, ông Thiện, ông Ác… đều cao từ trên 2m trở lên. Trong đó, pho tượng A Di Đà là một trong những tượng Phật bằng gỗ vào loại lớn nhất miền Bắc.

Xung quanh Đại Hùng Bảo Điện bố trí các công trình như nhà Tổ, khu giảng đạo, trai phòng, thư viện, lầu chuông, lầu trống, hành lang tượng La Hán, nhà bảo tàng, không gian tiểu cảnh non bộ,… tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, thuận lợi cho việc chiêm bái, thăm quan của các tăng ni, Phật tử và du khách thập phương.

Thầy trụ trì đã chọn xây dựng nội viện tăng ở phía đông chính điện (hướng đông có “thanh long” tọa địa. Thanh long (rồng chầu) với thế động, mạnh mẽ, dương tính, phù hợp với bản chất của chư tăng) với diện tích gần 15.500 m2. Ở hướng Tây thầy cho xây dựng Nội viện ni (bạch hổ), có dãy núi Vành Cóc, tượng trưng cho sự trầm tĩnh, kiên định, âm tính; đó là bản chất của chư ni với diện tích khoảng 10.200 m2 và nhà nội trú đáp ứng cho khoảng 1.000 phật tử về tham dự các khóa tu.

Trong chùa còn có một giếng cổ nước không bao giờ cạn. Tương truyền, ai mà uống được nước lấy từ giếng sẽ khỏe mạnh và khỏi bách bệnh. Bởi vậy, nhiều Phật tử, du khách thập phương tới đây đều muốn được uống nước lấy từ giếng lên.

Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Không chỉ hướng dẫn Phật tử tu thiền mà còn hướng dẫn Phật tử tu học cả Pháp môn tịnh độ với tông chỉ: Mọi người tu tập đều phát tâm bồ đề, tích tập các công đức và phát nguyện vãng sanh trong đời này.

Hiện nay các Phật tử chúng ta thường hay phân chia tông phái: người tu Thiền, người tu Tịnh, người tu Mật (các công phái lớn ở Việt Nam) và có những sự không hiểu, không thông cảm nhau, thậm chí tông phái nọ đả kích tông phái kia nhưng quan điểm của trụ trì chùa Ba Vàng là không phân biệt vì tu Thiền, tu Tịnh hay tu Mật thì đều là tu Phật, học Phật, đều là tu tâm cả nên chủ trương của nhà chùa là Thiền tịnh song tu.

Chùa Ba Vàng không chỉ là điểm đến hành hương của hàng triệu tăng ni, phật tử, du khách trong và ngoài nước mỗi năm, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm văn hóa du lịch tâm linh vào bậc nhất trên cả nước bởi sự hội tụ đầy đủ các yếu tố của một khu du lịch sinh thái. Chắc chắn du khách đến chiêm bái, vãng cảnh chùa Ba Vàng sẽ được đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, hữu tình mà vẫn có được cảm giác an lạc trong không khí linh thiêng của chốn thiền môn thanh tịnh.


Loading...