Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện phật giáo, khu đón tiếp…

 

Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia ViễnNinh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh..

 

Tục Truyền

Tương truyền Thiền sư họ Nguyễn pháp danh là Minh Không sinh vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) quê ở xã Đàm Xá, phủ Trường Yên, nay là xã Gia Thắng và Gia Tiến thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Ông là một thầy thuốc nổi tiếng từng chữa khỏi bệnh cho Hoàng Thái tử Lý Dương Hoán. Ngài được vua ban tước hiệu Quốc Sư và ngài được gọi là Lý Quốc Sư. Đền thờ Lý Quốc Sư ở Hà Nội là đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không sau ngày ngài mất.
Chuyện xưa truyền lại ngài thường đến vùng Bái Đính này tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho mọi người. Cũng chính vì việc từ tâm ấy ngài phát hiện ra vùng núi đá này có hang động đẹp rất thích hợp với cảnh Thiền. Ngài đã tôn tạo và đặt tên cho hang Sáng và một số hang động khác thành nơi thờ Phật và Thần linh. Từ đấy chùa hình thành và phát triển dần.

Loading...

Lịch sử hình thành và phát triển

Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo; cho nên tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên dãy núi Tràng An.

Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống phù hợp với tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người Việt Nam thời nay. Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Khu chùa Bái Đính mới được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á.

Tên gọi chùa Bái Đính mang ý nghĩa là hướng về núi Đính, nơi diễn ra các sự kiện oai hùng trong lịch sử Việt Nam. Núi chùa Bái Đính chính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh.Thế kỷ XVI núi Đính là địa bàn tranh chấp giữa 2 tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh với nhà Mạc, khi mà chính quyền nhà Mạc chỉ kiểm soát được vùng lãnh thổ từ Ninh Bình trở ra. Núi chùa Bái Đính cũng là một di tích cách mạng thuộc chiến khu Quỳnh Lưu, nơi lãnh đạo Đảng tuyên truyền cách mạng tới nhân dân.

 Cảnh quan và kiến trúc

Kiến trúc của khu chùa Bái Đính là từ thấp lên cao, 5 cấp theo đường chính đạo: đầu tiên là Tam quan Nội, đến tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bổ Tát, điện thờ Phật Tổ và trên cùng là toà Tam Thế. Năm cấp này cao dần lên, biểu tượng cho ngọn núi thiêng Tu Di.

Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm…

Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là “đại công trường” với 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phú Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng… các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng… để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.

Về vật liệu, hệ thống cột và kèo ở cổng Tam Quan, hành lang La Hán và điện Quan Âm được làm bằng gỗ tứ thiết, các công trình lớn hơn làm bê tông giả gỗ. Tất cả các mái sử dụng ngói men Bát Tràng, kiến trúc ba tầng mái cong vút hình đuôi của chim phượng.

Chùa Bái Đính có các kiến trúc đã đạt đc kỉ lục Việt Nam và Châu Á

1. Tam quan nội lớn nhất Việt Nam

2. Tháp chuông có chuông đồng lớn nhất Việt Nam

3. Điện Quan Thế Âm Bồ Tát có pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đổng lớn nhất Việt Nam

4. Điện thờ Phật Tổ có pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn nhất Việt Nam

5. Tòa Tam Thế chùa Bái Đính có 3 pho tượng Phật Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam

6.Hành lang La Hán chùa Bái Đính lớn nhất Việt Nam

7. Giếng Ngọc chùa Bái Đính là giếng lớn nhất Việt nam

Ngày nay, khi đến chùa Bái Đính, mọi người đi vào một không gian yên tĩnh, nơi có chùa ở núi Bái Đính và khu chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhất nước nằm gần núi Bái Đính, có nhiều cây cổ thụ râm mát, tươi xanh, nghe tiếng chuông ngân nga, tiếng mõ ấm áp, những âm điệu của lời kinh, tiếng kệ, trầm bổng như vỗ về êm nhẹ. Tất cả những giai điệu ấy làm cho ta lắng dịu tâm hồn, tan đi những tư dục, những cuồng vọng, lo âu phiền muộn, khiến ta chỉ muốn làm những điều thánh thiện.

 

Loading...