Chùa Bảo Phong hay còn gọi là chùa Bửu Phong tọa lạc tại thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa cất trên một ngọn núi đá thấp, hình giống như một con rùa đang vươn mình bò về phương Nam.

Chùa Bảo Phong còn gọi là chùa Phong Ấp. Từ nam ra, đến ngã ba Ninh Hòa, theo quốc lộ 26 đi Buôn Ma Thuột, đến cây số 01, rẻ trái chừng 500m, đoạn tiếp rẽ trái theo một con đường nhỏ về hướng đông nam chừng l00m thì đến chùa. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Lịch sử chùa Bảo Phong

Chùa do Thiền sư Phổ Bửu – Minh Lượng đời 34 dòng Lâm Tê khai sơn vào thời Hậu Lê

Cảnh quan và kiến trúc chùa Bảo Phong

núi nằm cách bờ Nam sông Dinh khoảng hơn 1 km và cách ga Ninh Hòa 500m. Đứng trước cổng tam quan nhìn về phía Đông thấy con đường sắt chạy qua cách chùa độ 100m. Núi chùa còn nhiều cổ thụ nên thanh u, tĩnh mịch, cảnh chùa Bảo Phong trang nghiêm. Trầm mặc, ẩn trên núi đá, nên tuy ở gần phố thị xóm làng mà chùa vẫn giữ được cảnh quan thanh thoát, độc đáo.

Trước chùa Bảo Phong là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên cao khoảng 4 mét, phía sau tượng là hồ nước nhỏ thả hoa súng, trong hồ có non bộ, tiếp theo là cổng tam quan. Cổng thiết trí mộc mạc nhưng nghiêm cẩn, hài hòa, trên mỗi đầu trụ cổng đều có đính các hoa sen cách điệu trông khá xinh xắn. Tấm biển lớn trên cổng giữa cẩn bốn đại từ bằng mảnh bát xưa “Bát Nhã Môn Khai”. Biển cổng bên phải đắp nổi ba chữ “Đại Từ Bi” và cổng bên trái là “Năng Hỉ Xả”.

Loading...

Trên hai trụ cổng chính đắp nổi đôi câu đối:

“Bảo địa kỳ viên chúng điểu diệu tâm tuyên pháp ngữ”
“Phong đầu hàng thụ duy phong xuy động tác kiêng tương”

Trụ cổng hai bên cũng đắp nổi hai câu:

“Bửu điện trang nghiêm triêu cổ mộ chung diệu pháp giới”
“Sơn môn thanh tịnh hòa phong minh nguyệt hướng thiền đình”.

Qua cổng chùa Bảo Phong, theo hai lối đi nhỏ hình cánh cung tráng ciment dẫn vào vuông sân gạch, trong sân bài trí nhiều chậu hoa, cây cảnh tuy chẳng công phu lắm nhưng lại làm cho cảnh thêm vui.

Đứng ở sân nhìn chùa Bảo Phong không cổ kính lắm, vì chùa đã được trùng tu nhiều lần và lần sau cùng vào năm 1953. Lần trùng tu này, các cụ trong làng đã cho thay ngói âm dương bằng ngói móc tuy đã rêu phong nhưng vẫn pha nét tân thời.

Biển chùa Bảo Phong treo trong hành lang trên đầu cửa chính được khắc vào năm Tự Đức thứ 23. Biển sơn son, đề ba chữ lớn: “Bửu Phong Tự”, dòng lạc khoảng ghi câu” Tự Đức Nhị Thập Tam Niên Tuế Thứ Canh Ngũ, Trọng Xuân San”. Như vậy, biển chùa được khắc từ năm 1870. Qua nghiên cứu chùa đã có rất xưa, trong khoảng từ năm 1688 đến năm 1705 đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705).

Chùa Bảo Phong xây theo kiểu tam quan, hai nhà đông tây thấp hơn ngôi chánh điện và được bố trí theo lối đông tăng, tây tổ. Kết cấu gỗ bên trong chánh điện gồm rường, cột, kèo, vì vẫn giữ y nguyên kiến trúc cổ theo kiểu “Cối Gia Nguyên”. Vì vậy, khi bước vào chánh điện ta có ngay cảm giác uy nghi, sâu lắng; vừa sợ sệt lại vừa thảnh thơi.

Chính điện chùa Bảo Phong có ba gian: gian giữa là Đại Hùng Điện, bàn trên cao thờ Phật Di Đà và chư vị Bồ Tát tượng Di Đà cao khoảng 0,8m trông rất uy nghi và cổ kính. Gian bên phải thờ Tổ Tây Thiên với pho tượng Đạt Ma, gian bên trái thờ Thánh chúng với tượng Quan Thánh. Hai tượng này hơi thấp hơn tượng Phật Di Đà. Còn 3 bàn nhỏ ở hai đầu vách xông thì ở phía đông thờ Thập Diện Diêm Vương, phía tây thờ La Hán Chư Thiên.

Qua cách bố trí những bàn thờ trong chánh điện chúng ta dễ nhận ra ngay đây là cách thờ phụng trong các chùa thiền phái Lâm Tế Trung Hoa.

Ở nhà tổ, có long vị tổ Minh Lượng, tổ Thiệt Địa – Pháp Ấn, tổ Đạt Tịnh, tổ Thiệt Địa khai sơn chùa Kim Sơn, chùa Linh Sơn Pháp Bảo (Khánh Hòa). Ngài tịch ở chùa (1790), bảo tháp ở triền đồi, cao khoảng 4m, có 3 tầng hình bát giác đặt trên lưng rùa 8 chân, đỉnh tháp có đài sen.

Chùa Bảo Phong được trùng tu nhiều lần. Đại đức trụ trì Thích Nguyên Độ tiếp tục công việc trùng tu ngôi chùa.

Loading...