Quan Âm là một ngôi chùa nhỏ, ẩn mình trong  vườn cây xanh ở thôn Bãi Giếng Nam, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ấn tượng đầu tiên khi đến chùa là bước vào thế giới của đá cuội bạt ngàn, gần như kín kẽ. Cuội nằm kín khắp mặt đất, cuội trải dài trên những lối đi, cuội ken chặt bốn bức tường rào, cuội dán kín trên thân chùa tháp, cùng với những lằn chỉ kẻ bằng vỏ sò màu sáng như tôn vinh thêm nét trầm mặc của đá cuội ngàn năm…

Trải đá cúng dường

Theo Đại đức Thích Tâm Phước, trụ trì chùa Quan Âm thì từ lúc kết duyên với chùa (1998) cho đến nay, lúc nào trong tâm khảm cũng ưu tư với việc trùng kiến ngôi già lam này ngày một khang trang, làm nơi quy hướng cho Phật tử tu học như một sự cúng dường lên Đức Thế Tôn.

Ý tưởng đầu tiên của việc trải đá cuội ken kín mặt đất và dán đá tất cả bề mặt các công trình xây dựng chùa Quan Âm được khơi nguồn từ chuyện trưởng giả Cấp Cô Độc.

Loading...

Ngày xưa, trưởng giả Cấp Cô Độc đã xếp những đồng tiền vàng phủ kín mặt đất để mua tinh xá Kỳ Viên, dâng cúng Đức Phật và chúng Tăng. Vậy thì người đời sau cũng có thể trải những viên đá cuội lên khắp mặt đất để cúng dường Đức Phật vậy.

Mỗi viên đá là một câu niệm Phật

Từ ý tưởng trên, thầy Tâm Phước bắt tay vào thực hiện. Việc trải đá lên mặt đất và dán đá cùng vỏ sò lên tường là cả một nghệ thuật và công phu. Cặm cụi một mình, thầy chọn đá, dán đá, cứ mỗi viên đá là một câu niệm Phật. Trừ những lúc có Phật sự phải ra ngoài, còn lại hầu hết thời gian thầy sống với đá. Vào mùa an cư, không đi ra ngoài nên thầy có cơ hội tiếp xúc với đá nhiều hơn.

Nhờ nguồn đá cuội và vỏ sò rất dồi dào tại địa phương, theo năm tháng và với bàn tay khéo léo cùng tâm kiên định của thầy, vô số đá cuội với vỏ sò theo nhau xếp vào vị trí thẳng tắp, đẹp đẽ, gọn gàng.

Chùa đá Quan Âm

Không biết tự bao giờ, người dân địa phương mỗi khi nhắc đến ngôi chùa thường gắn thêm từ đá thành chùa đá Quan Âm (Quan Âm thạch tự).

Thực vậy, vừa đặt chân đến khu vực chùa đã thấy tường rào và cổng tam quan dán kín đá cuội rất tinh tế, mỹ thuật. Từ bảng tên chùa, chữ Hán trên trụ cổng cho đến hoa văn, bánh xe chuyển pháp luân đều dán đá cuội xám nổi bật trên nền cuội nhỏ màu bạc trông thật liền lạc, mạnh mẽ.

Bước vào cổng chùa, ta như lạc vào thế giới của đá cuội chen lẫn cỏ cây. Cuội được lèn kín mặt sân, các lối đi thiền hành, cuội bao bọc bốn bức tường tỏa ra hơi nước mát lạnh.

Hai bên chùa, tượng đài Quan Âm, Di Đà lộ thiên có giả sơn bằng đá cuội nâng đỡ, bao bọc. Đặc biệt là bảo tháp thờ kinh Pháp Hoa ba tầng, cao 12,5 mét mô phỏng theo trụ đá Asoka ở Ấn Độ. Thân tháp được phủ kín đá cuội.

Những hoa văn, họa tiết trang trí và pháp cú dọc theo thân tháp đều được dán đá rất công phu và mỹ thuật. Nhìn từ xa, bảo tháp như một cây đá cuội xám bạc nổi bật giữa bầu trời trong xanh.

Ấn tượng nhất là bộ bàn ghế đá nơi phòng khách. Tuy giản dị đơn sơ nhưng được ngồi lên những ụ đá quây quần quanh chiếc bàn đá, nghe nước chảy rì rào từ giả sơn, ta như lạc vào thiên nhiên kỳ thú, non nước hữu tình.

Hiện công trình chưa hoàn thành, trong tương lai những viên đá cuội sẽ theo bàn tay khéo léo của thầy trụ trì phủ lên toàn bộ ngôi chùa chùa Quan Âm. Tuy không phải là chùa cổ hay bề thế so với các chùa khác trong vùng, nhưng với sự sáng tạo và cần mẫn của Đại đức Thích Tâm Phước, chùa Quan Âm có một nét đẹp riêng. Những viên đá cuội tròn trịa nhẫn nại mà cứng chắc vững bền bao phủ toàn bộ kiến trúc chùa như tâm Kim cương của những người con Phật.

Loading...