Ngôi chùa này nằm ở xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, thuộc thị xã Cao Bằng (trước đây thuộc huyện Hòa An), được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, thời vua Càn Thống (Mạc Kính Cung) để thờ Đà Quận công Mạc Ngọc Liễn, một danh tướng đã có công với nhà Mạc từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc một triều đại.

Lịch sử

Sử cổ ghi: Chùa nằm ở thôn Đà Quận, xã Xuân Lãnh, châu Thạch Lâm, quanh năm hương khói để tạ ơn người có công lao với nước, đồng thời thờ thần linh phò trợ cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

Chùa này được xây dựng từ thời nhà Lý, đến thời nhà Lê được trùng tu tôn tạo, đến thời nhà Nguyễn được sửa sang và đến năm 2007 lại được khôi phục lại.

Kiến trúc

Trong chùa có hai quả chuông cao bốn thước, năm tấc, chu vi tám thước chín tấc, ước nặng một tấn. Trên chuông có đúc bài văn minh bằng Hán tự, nội dung ca ngợi cảnh đẹp của châu Thạch Lâm xưa.

Hai quả chuông chùa Đà Quận vào loại những chuông lớn ở nước ta. Cả hai đều đúc bằng hợp kim đồng, lâu ngày đã ngả sang màu gang. Hai quả chuông như vậy, nhưng quai treo thì lại rất ngắn và chỉ cao chừng hơn 20cm, khiến cho dáng chuông như lùn xuống và bè ra. Cả hai quả chuông đều có dáng rất mập khỏe, hình khối căng bầu.

Loading...

Trang trí đơn giản với miệng loe nhưng để trơn. Chủ yếu là bốn nhóm gờ dọc và một nhóm gờ ngang ở chừng 1/3 thân chuông (tính từ dưới lên). Nơi gặp nhau của các nhóm gờ ngang và dọc ấy tạo thành núm đánh. Ngoài ra ở cuối của hai nhóm gờ dọc, đối nhau cũng có núm đánh.

Tất cả có 6 núm đánh nổi to, rõ. Các núm này cấu tạo giống nhau: trong là một hình tròn, bao ngoài là một bông sen nổi cao, gồm 12 cánh vuông. Quanh vai chuông cũng có một nhóm gờ ngang để phân ra phía trên là đỉnh chuông bẹt, ở đó có bồ lao treo là đôi rồng gắn nối ngược chiều nhau ở khoảng ngực. Những con rồng này đều có mào dài, sừng ngắn và mập, tóc chải mượt, thân mập.

Nhìn chung dáng dấp chuông và trang trí chuông mang chất điêu khắc nối khối, chân chất, thoáng đãng, mộc mạc. Hình khối và đường nét đều rõ ràng. Do vậy, vừa thoáng nhìn, chúng tôi đã có thể liên hệ với lịch sử và cảm nhận cả hai quả chuông này đều thể hiện nhiều khả năng đặc điểm là những di vật của hậu kỳ thời Mạc.

Về văn tự ngay đến tên chuông, mà thông thường vẫn thấy được đúc bằng đại tự nổi cao, thì ở cả hai chuông đều không có. Thoạt nhìn, mặt chuông không thấy Minh văn, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy mặt quả chuông nhỏ có khắc chữ vuông ở tất cả các ô. Trong đó, những ô thuộc nửa trên đã mờ gần hết chữ, những ô thuộc nửa dưới còn rõ hơn. Ở đó có khắc phần đầu của bài văn đã đọc được hầu hết các chữ vuông là chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp của châu Thạch Lâm lúc bấy giờ và sự phục hồi của chùa Viên Minh sau khi nhà Lê khôi phục lại đất Cao Bằng.

Đối diện với chùa Đà Quận là chùa Viên Minh, thờ phò mã Dương Tự Minh, thời nhà Lí, người có công dẹp trừ giặc, giữ gìn bình an vùng biên viễn Cao Bằng.

Lễ hội

Hàng năm vào mùng 9 tháng giêng, chùa mở Hội Xuân, nhân dân khắp nơi đều về trẩy hội để cầu tài lộc phúc thọ, để xem hát giao duyên cùng các màn múa vui, thể thao thượng võ.

Loading...