Chùa sắc tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự), là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đắk Lắk, nằm ở số 117  Phan Bội Châu, phường Thống Nhất. Đây cũng là ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng ở Cao Nguyên. Tên gọi Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu.

Lịch sử

Chùa thường được gọi là chùa Lớn hay chùa Tỉnh, hướng mặt Tây Nam, nhìn xuống suối Đốc Học

Chùa được xây bắt đầu từ năm 1951 trên đường Phan Bội Châu thành phố Buôn Ma Thuột do Đoan Huy hoàng thái hậu mẹ vua Bảo Đại cho xây dựng và Nam Phương Hoàng Hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công. Là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến.

Dưới triều nhà Nguyễn, chùa được sắc phong tự hiệu “Sắc Tứ Khải Đoan Tự” và là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo miền Trung, thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại Tây Nguyên, vùng đất hoàng triều cương thổ thời vua Bảo Đại.

Kiến Trúc

Lối kiến trúc mô phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp với phong cách nhà sàn của dân tộc Tây Nguyên, pha chút kiến trúc hiện đại. Mái chùa cong, dáng dấp một mái nhà rông, nhưng rất uyển chuyển mềm mại với những đôi giao long quyện mây lướt gió, thật độc đáo mà hài hoà, cổ kính mà cũng thật gần gũi, đậm đà.

Loading...

Chùa có kiến trúc kiểu chữ Tam, trước cổng là Tam quan, giữa là Chính điện, sau là nhà hậu tổ. Cổng Tam quan gồm hai tầng với ba vòm cửa cao 7m, rộng 10,5m.

Điện Quan Thế Âm xây tách biệt với bố cục chính của chùa kiến trúc theo dạng tháp trống, hình lục giác với sáu cột trang trí hình rồng mây.

Chính điện là công trình kiến trúc chính, chia hai phần: Phận trước kiến trúc theo kiểu nhà dài của Tây Nguyên và cột kèo nhà rường của người Việt. Nửa sau xây theo lối hiện đại. Chính điện được chia làm 5 gian, giữa Chính điện có bệ thờ Phật Thích Ca ngồi xếp vàng toạ thiền.

Chùa cổ sắc phong năm Quý Tỵ (1953) dài l,85m và quả chuông có kích thước lớn, nặng 380 kg đúc năm 1954. Sự ra đời của chùa Khải Đoan gắn liền với lịch sử di dân của người Việt lên Đắc Lắc cũng như sự giao lưu, đan xen văn hoá của người Việt với nhiều dân tộc địa phương trong quá trình cộng cư.

Chùa hướng mặt Tây Nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng dựa thế đất cao của khu phố Buôn Ma Thuột “tiền thuỷ hậu sơn” theo quan niệm phong thổ hài hoà của kiển trúc cổ Việt, thế đứng vững chãi bền lâu cho muôn đòi con cháu.

Chùa hiện tại đã được bổ sung rất nhiều công trình mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn chính điện cũ và vẫn là một nơi thờ phụng lớn nhất của Phật giáo tại Đắk Lắk và là một điểm du lịch tham quan không thể bỏ qua ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngày 05 tháng 04 năm 2012 chùa bắt đầu đặt viên đá trùng tu lại, xây dựng thêm.

 

 

Loading...