Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) tọa lạc trên đồi Hà Khê thuộc làng An Ninh Thượng, phường Kim Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Lịch sử hình thành và phát triển

     Chùa Linh Mụ được Chúa Nguyễn Hoàng cho tái thiết vào đầu thế kỷ XVII. Theo truyền thuyết, năm Tân Sửu (1601), Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng nhân đi du ngoạn núi non sông biển, khi đặt chân đến đây, thấy phong cảnh tuyệt đẹp, địa thế thật tốt. Vua nghe kể có người trông thấy một bà già đầu tóc bạc phơ, mặc áo đỏ quần xanh ngồi chơi ở đỉnh gò mà nói : “Rồi đây sẽ có chân Chúa đến dựng lại chùa ở nơi này để tụ linh khí mà làm bền cho long mạch“. Nói xong, người đàn bà biến mất. Từ đó, dân chúng gọi tên núi là Thiên Mụ sơn, và Chúa Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa, viết biển đề “Thiên Mụ Tự” (đến đời vua Tự Đức, chùa được đổi tên là Linh Mụ Tự).

Ban đầu chùa còn đơn sơ, chưa có những công trình kiến trúc và mỹ thuật nổi tiếng. Năm 1665, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa, qui mô kiến trúc còn nhỏ.

     Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm tức Thích Đại Sán, người Chiết Tây, Trung Quốc, thuộc phái Tào Động, được Chúa Nguyễn mời sang Việt Nam lập đại giới đàn. Ngài là một danh nhân đời nhà Thanh, đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời làm trụ trì chùa Thiên Mụ. Tháng 7 năm 1696, trước khi trở về Trung Quốc, Ngài đã truyền giới Bồ-tát cho Chúa Nguyễn Phúc Chu, ban đạo hiệu là Thiên Túng Đạo nhân, nối pháp đời thứ 30 Tào Động chánh tông. Từ chùa Thiên Mụ và chùa Khánh Vân (Huế), Ngài có công truyền bá Thiền phái Tào Động ở đàng Trong.
     Năm 1710, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung nặng 3285 cân, là một tác phẩm mỹ thuật quí giá. Tiếng chuông chùa từ đấy đã an nhiên trong lòng người dân xứ Huế.

Loading...

     Năm 1714, Chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều công trình huy hoàng, tráng lệ. Đó là lần trùng tu qui mô nhất gồm : cổng tam quan, điện Thiên vương, điện Ngọc Hoàng, điện Thập Vương, nhà thuyết pháp, lầu Tàng kinh, lầu chuông, lầu trống, nhà Vân Thủy, nhà thiền, điện Đại Bi, điện Dược sư, tăng phòng. Chúa lại cho mở an cư kiết hạ trong vườn Tỳ Da suốt 3 tháng, và cho người sang Trung Quốc thỉnh Tam Tạng kinh Luật, Luận Đại thừa hơn một ngàn bộ đem về lưu giữ tại chùa.

     Vào đầu thế kỷ XIX, các vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đã cho trùng tu, sửa sang chùa. Giữa là điện Đại Hùng, phía sau là điện Di-lặc, điện Quan Âm và Tàng Kinh. Hai bên là điện Đại Hùng và điện Thập Vương.

     Đến năm 1844, vua Thiệu Trị cho dựng tháp Từ Nhân (về sau đổi tên là tháp Phước Duyên), bảy tầng, bằng gạch, mỗi tầng thờ một pho tượng Phật. Đã 150 năm qua, tháp Phước Duyên ngày ngày soi bóng xuống dòng sông Hương , gây nhiều cảm xúc khó tả cho biết bao du khách đến với cố đô. Trước tháp, vua cho dựng đình Hương Nguyện ba gian, sườn bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Hai bên, dựng hai nhà bia ghi kiến trúc tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyên và nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị.

     Qua đầu thế kỷ XX, chùa bị hư hỏng nặng do cơn bão năm Giáp Thìn (1904). Vua Thành Thái đã cho trùng tu chùa vào năm 1907 và cho đến ngày nay, qua công lao của Hòa thượng Thích Đôn Hậu cùng nhiều Tăng, Ni, Phật tử, du khách xa gần, ngồi chùa cổ Thiên Mụ được xây dựng lại, tuy không còn qui mô to lớn như trước, nhưng vẫn trang nghiêm, hùng tráng.
Du khách đến chùa không quên đến bên trái tháp Phước Duyên, xem bài minh ở tấm bia được dựng vào năm 1715, thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, ca ngợi ngôi danh lam cổ tự bậc nhất này.

Cảnh quan kiến trúc

-Điện Đại Hùng: Đây là ngôi chính điện trong chùa, kiến trúc kiểu Trùng thiền điệp ốc. Đền được phục chế năm 1959, các cột kèo, lăng, bệ được xây dựng bằng bê tông bên ngoài một lớp sơn giả gỗ. Trong điện thờ tượng phật Di Lặc. Phật có tai to để nghe những chuyện khổ của thiên hạ, bụng to để bao dung những chuyện khổ dung trong thiên hạ, miệng rộng hay cười những chuyện khó cười trong thiên hạ.
Ở bức hoành phi trên cao có 4 chữ “ Linh Thửu Cao Phong” do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1714, ngoài ra trong điện còn treo một cái khánh đồng khá lớn chạm hình nhật nguyệt, tinh tú và khắc những dòng chữ cho biết khánh này do một vị quan người Quảng Trị là Trần Đình ân thuê đúc năm 1677 để cúng cho chùa. Người ta so sánh nơi chùa tọa lạc giống như đồi Linh Thửu ở đất Ấn Độ, nơi đất Phật đắc đạo.
Qua khỏi nơi thờ tượng Di Lạc, ở bên trong người ta thờ Tam Thế Phật ở chính giữa, hai bên là Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền. Đi theo lối bên hông điện ra phía sau vườn là nhà trưng bày những hỉnh ảnh và chiếc xe của hòa thượng Thích Quảng Đức, người tự thiêu vào năm 1963 để chống chế độ  đàn áp Phật giáo.
Sau nữa là mộ tháp của hòa thượng Thích Đôn Hậu, người trụ trì tại tại đây. Ông là phó chủ tịch hội phật giáo yêu nước trong thời kỳ chống Mỹ, người có công trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo ở Huế cũng như ở Việt Nam.

-Điện Địa Tạng, điện Quan Âm
Điện Địa Tạng ở phía sau lưng điện Đại Hùng, cách một khoảng sân rộng với nhiều cây cảnh. Dấu vết nền cũ của điện Di Lặc rất rộng, điện Địa Tạng nằm lọt trong nền này.Con đường bên trái điện Đại Hùng đi về phía trong chùa. Nguyên khi xưa, điện này được để thờ Quan Công (từ năm 1907) – một điều khá thường thấy ở các chùa Việt ngày trước, do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, và cho đến nay, các chùa lớn ở Huế vẫn còn có thờ Quan Công. Theo truyền thuyết, sau khi chết, Quan Công hiển thánh, biết việc âm dương, việc tốt xấu trong tương lai, vì thế mặc dù chùa là nơi thờ Phật, nhưng trong điện thờ Quan Công, người ta còn thờ cả một bộ thẻ xăm, thậm chí sư ở chùa làm luôn việc đoán xăm cho người đến cầu xăm.

-Tháp Phước Duyên: Đây là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Đây còn được gọi là Phước Duyên Bửu Tháp; Tháp hình bát giác cao 7 tầng (21m) dưới lớn trên nhỏ. Số 7 là con số linh của đạo phật. Hệ thống bậc cấp trước chùa cũng tính theo số 7. Trong tháp có hệ thống bậc thang xây cuốn từ dưới lên trên, chỉ trừ giữa tầng thứ 6 và tầng thứ 7 là phải dùng cái thang di động bằng gỗ và cái cửa với chìa khoá đặc biệt, vì ở tầng trên cùng này xưa kia có thờ tượng Phật bằng vàng.
Tầng một thờ đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi (Vipassi )
Tầng hai thờ đức Phật Thi Khí (Sikkhi )
Tầng ba thờ đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhu)
Tầng bốn thờ đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha)
Tầng năm thờ đức Phật Câu Na Hàm (Konagamana)
Tầng sáu thờ đức Phật Ca Diếp (Kassapa)
Tầng bảy thờ đức Thích Ca Mâu Ni, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương. Còn có tôn giả Ca Diếp và A Nan thờ bên cạnh

-Đình Hương Nguyên: Cũ là một trong những công trình kiến trúc bằng gỗ rất đặc biệt của thời vua Thiệu Trị (1841-1847), hiện chỉ bảo lưu được bộ sườn. Đình Hương Nguyên được xây trước mặt tháp Phước Duyên. Trong trận bão năm Thìn (1904), đình bị đổ. Để cho không gian tại đây được thoáng, sau đó người ta đã đem ngôi đình cũ vào dựng lại tại nền điện Di Lặc xưa để thờ Đức Địa Tạng. Đây là nguyên mẫu một ngôi nhà tứ giác độc đáo của 150 năm trước. Đứng trong nhà nhìn lên, chúng ta thấy hình bát quái được cấu trúc khéo léo ở nóc. Có một số thơ chữ Hán được khảm nổi trên panô trang trí ở các liên ba.

 

-Tam Quan
Là cổng chính, cấu trúc hai tầng tám mái, tường gạch, sàn và dàn trò bằng gỗ; có 3 lối đi, mỗi lối có cửa ván 2 cánh bằng gỗ được bó bằng đai và đinh đồng; hai bên các lối đi có tượng Hộ Pháp trấn giữ.
-Lầu Lục giác, Tứ giác phía trước
Là các công trình chứa các văn vật gốc: các bia đá khắc bi ký của vua Thiệu Trị, bia đá và rùa đội bia đá thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Đại Hồng Chung cùng thời. Các công trình này đều kết cấu gạch đá, trên nhà Lục Giác phía Đông còn một số họa tiết trang trí và bức họa cổ diệm. Đã thực hiện căn chỉnh cân đối bia đá, phục hồi nền đá, chống nứt cho tường, phục hồi màu sắc, hoa văn một cách hài hòa bằng thủ pháp chấm màu đa sắc.

Từ bốn thế kỷ nay, chùa Thiên Mụ với tiếng chuông sớm chiều ngân nga, vang vọng, những cảnh đẹp tuyệt vời trong bình minh, hoàng hôn hay những đêm trăng thanh, gió mát đã tượng trưng cho vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng của xứ Huế. Tiếng chuông chùa đã đi vào câu ca dao, điệu hò, để lại trong lòng người Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế.

Gió đưa cành trúc la đà

      Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

https://www.youtube.com/watch?v=-KLsUp3rG44

Kinh nghiệm du lịch Huế và thăm chùa Thiên Mụ:

– Thời tiết dễ chịu nhất để đến Huế là vào tháng 1 đến tháng 2. Tuy vậy, có rất nhiều người chọn tháng 5, tháng 6 để đến Huế dù trời mưa nhiều và thời tiết nóng, nhưng là mùa hoa phượng nở đỏ rực, rất hợp với phong cảnh ở Huế. Đặc biệt là khi đến thăm chùa Thiên Mụ vào mùa Hè, bạn sẽ thấy những tán phượng nở đỏ rực buông xuống trước cổng chùa, một cảnh sắc rất đẹp.- Từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có nhiều chuyến bay đến Huế khởi hành hàng ngày. Nếu đã có kế hoạch du lịch Huế thì nên đặt vé sớm để có vé giá rẻ. Ngoài ra bạn cũng có thể đến Huế bằng xe khách giường nằm hoặc bằng tàu Thống Nhất. Giá vé tàu từ 400.000đ đến hơn 1 triệu tùy vào ghế ngồi cứng hay giường nằm và có máy lạnh.- Từ Huế muốn đi chùa Thiên Mụ bạn có thể đi bằng thuyền, mua vé tại bến sông Hương ngay trung tâm thành phố, hoặc đi xe ôm, hoặc thuê xe máy tự đi. Giá thuê xe máy từ 120.000 – 200.000 tùy theo thỏa thuận và tùy loại xe. Bạn hỏi thuê xe tại khách sạn.- Gần chùa Thiên Mụ là Điện Hòn Chén và Lăng Minh Mạng, bạn có thể mua vé đi luôn các điểm trên kết hợp với chùa Thiên Mụ để tiết kiệm thời gian.

 

 

Loading...