Chùa Tiên có tên chữ là Song Tiên Tự. Sách Đại Nam nhất thống ghi chép “Chùa Song Tiên ở ngoài cửa Nam tỉnh thành, trên núi Đại Tượng, xã Mai Pha thuộc Châu Ôn là danh thắng trong tỉnh”.


Chùa Tiên trước kia ở cạnh giếng Tiên do nhân dân làng Phai Luông lập vào thời Hồng Đức (1460 -1497) sau đó chùa bị hư hại mới chuyển vào động núi Đại Tượng (núi hình con Voi) chùa tiên gắn với truyền thuyết Tiên Ông giúp dân làng “nguồn nước sinh hoạt”. Câu chuyện kể lại sau: “Có một năm trời là đại hạn cả vùng đất thị xã Lạng Sơn bị thiếu nước. Nắng hạn làm khô héo cây cối ruộng vườn đến nỗi sông kỳ cùng cũng cạn ráo. Một bầy trẻ chăn trâu ngồi dưới bóng một gốc cây ven đồi thấy một cụ già đằng xa đi lại, trông dáng lại thiểu não. Cụ tiến lại gần với tay chìa bát gỗ ra xin ăn, lũ trẻ vui lòng nhường cho cụ phần cơm và thành thực nói với cụ làng dù có cơm độ lòng cụ nhưng cụ ăn xong các cháu cũng không biết lấy gì mời cụ uống. Cụ già cảm động vì tính tình ngoan ngoãn của các em nên nhận bát cơm rồi cụ lấy gót chân giẫm xuống đất một tảng đá, lập tức một dòng ngọt phun lên không những đủ nước cho các cháu uống tràn trề tắm thỏa thích mà còn cho tất cả dân chúng xóm Phai Luông tha hồ lấy nước nữa. Sau đó, cụ già đã biến đi đâu không ai rõ nhưng dòng nước cứ chảy mãi không thôi. Dân chúng tin đó là một tiên ông hiện ra giúp người, đã gọi đó là Giếng Tiên. Trong động chìa có hai khối đá dị thường giống hình người, ai cũng nghĩ đó là Tiên ông hóa thạch.
Còn có truyền thuyết khác về chùa Song Tiên: Xưa kia ở trong động núi Đại Tượng có hai ông Tiên ngồi đánh cờ, mải chơi đến sáng không về trời được đã hóa thành đá. Sau dân làng lập chùa thờ phụng gọi là chùa Song Tiên. Ngoài những nhũ đá hình Tiên Ông, hình con voi, hình con dơi bay, đặc biệt trong động chùa còn lưu trữ được một hệ thống văn bia phong phú của các văn nhân thi sĩ lưu lại.
Ngoài ý nghĩa là một di tích danh thắng, chùa Tiên còn là di tích tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Nội dung thờ tự trong chùa bài trí theo kiểu “Tiền Phật hậu thánh” gồm cung Tam Bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ mẫu, Đức thánh Trần ở phía trong.
Trong chùa hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị, đó là hệ thống văn bia, tượng Pháp, Phật, Mẫu có nghệ thuật cao trong các đồ thờ tượng khác như chuông, hoành phi, câu đối…
Chùa Tiên là một di tích lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội truyền thống của chùa Tiên được tổ chức vào ngày 18 tháng giêng hàng năm.
Di tích chùa Tiên – Giếng Tiên đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia năm 1992.

Lễ hội chùa Tiên

Lễ hội chùa Tiên xuất phát từ tín ngưỡng thờ đá và thờ nguồn nước của cư dân nông nghiệp. Đây là một trong những kiểu hình thành lễ hội rất phổ biến ở Việt Nam. Trong dịp đầu năm mới, lễ hội chùa Tiên là ngày hội văn hóa truyền thống đặc sắc được tổ chức đông vui, nhộn nhịp và điển hình nhất ở Lạng Sơn. Lễ hội được diễn ra trong ngày 18 tháng giêng.
Có nhiều truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc của lễ hội chùa Tiên, song phổ biến nhất là truyền thuyết Giếng Tiên. Phần lễ, bao gồm: các lễ hội thờ Phật, với nghi thức khai hội và phần nghi lễ tế, Điều đặc biệt ở lễ hội chùa Tiên, các đồ lễ vật đặt lên các bàn thờ không được dâng lợn quay và đồ lễ thờ thường được dâng cúng như ở các lễ hội khác.
Hội chùa Tiên ngày nay mang tính chất là ngày hội cầu tài, cầu lộc, du xuân vãn cảnh. Chính vỉ vậy, lễ hội đã vượt khỏi khuôn khổ lễ hội làng. Nhiều du khách ở các vùng lân cận và các tỉnh miền xuôi nô nức đến trẩy hội. Không chỉ thế, chùa Tiên còn là danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của thành phố Lạng Sơn.
Trong cuộc sống hiện đại đầy những lo toan, bộn bề, trở về không khí lễ hội, du khách như bỏ lại đằng sau những tháng ngày mệt mỏi, cùng hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội, sôi nổi, tham gia vào những trò chơi dân gian giản dị và thú vị hay trở lại những quan niệm tâm linh thời xưa. Tất cả những cảm giác đó như mãi là lời mời gọi du khách đến với Lạng Sơn để cùng tham dự một lễ hội truyền thống đầy chất huyền thoại.

Loading...