Trong đời sống sinh hoạt của con người quy lại hai mặt chủ yếu là vật chất và tinh thần. Trong hoạt động tinh thần, đạo đức có một tầm quan trọng đặc biệt bởi đạo đức có mặt và xuyên suốt trong mọi hoạt động con người. Mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều vận hành theo một quy luật chung trong một tiến trình tất yếu là nhân quả. Quy luật nhân quả dường như đã chi phối và tác động đến mọi sinh hoạt của con người.

Đạo đức là gì?

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm những quan điểm, quan niệm, những nguyên tắc chuẩn mực xã hội. Nhờ đó con người tự nhận thức, tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp trước những lợi ích đặt ra.

Nhân quả là gì?

Chúng ta có thể hiểu luật nhân quả như là một phép tắc được quy định theo sự hoạt động tự nhiên của vũ trụ, để có thể quân bình trật tự an toàn của các hành tinh trong không gian. Chính vì lẽ đó luật nhân quả được cho là một đạo luật tự nhiên của vũ trụ được đặt ra để quân bình trật tự vạn vật.

Mối quan hệ giữa đạo đức và nhân quả

Luật nhân quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, không có gì mơ hồ hay bí hiểm. Nó vén tất cả những cái gì đen tối của mê tín dị đoan, đang bao trùm sự vật và phần nào phủ nhận luôn cái thuyết chủ trương vạn vật. Do đó, người hiểu rõ luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền. Hơn nữa luật nhân quả luôn thúc đẩy con người sống trong đạo đức, nâng cao giá trị cũng như nhân phẩm của con người, tránh mọi điều ác và giúp con người làm mọi điều lành, giữ tâm ý trong sạch.

Cội nguồn của đạo đức nhân quả

Phật giáo không nêu lên vấn đề cội nguồn của mọi hiện hữu, gồm cả cội nguồn của đạo đức nhân quả, bởi vì mọi hiện hữu đều duyên sinh, vô tự tính. Nhưng ở mặt tương đối thì  Phật giáo ghi nhận có khổ đau do ái, thủ vô minh gây ra. Vấn đề thiết thực ở đây là dập tắt mọi nguyên nhân khổ đau ở từng cá thể. Do vậy, chuẩn mức đạo đức nhân quả chỉ có thể do các cá thể thể nghiệm và đặt ra, dựa vào hiệu quả đoạn diệt tham, sân, si. Không thể thiết lập các chuẩn mức đạo đức nhân quả dựa vào sự tướng biểu hiện bên ngoài của các hành động, bởi cùng một hành động có thể do nhiều động cơ thiện, bất thiện tác động khác nhau nên có giá trị đạo đức khác nhau.Con đường đạo đức Phật giáo vì thế là con đường tự giác, tự chứng và tự nguyện. Dù vậy, trước quy luật nhân quả quá mành rành thì bản thân con người vẫn phải nghiêm chỉnh hướng dẫn đời sống nội tâm của mình. Vì hạnh phúc của con người là mục tiêu của cuộc sống nên hạnh phúc của con người là giá trị chuẩn. Các giá trị khác là thứ yếu phải xếp xoay quanh cái trục giá trị đạo đức này.

Loading...

Đạo đức nhân quả thể hiện cho điều gì?

Thể hiện bình đẳng giữa con người với nhau

Tư tưởng đạo đức nhân quả muôn thuở không bao giờ trở thành lạc hậu. Nó mãi mãi là mặt trời với nguồn sáng vô tận chân lý. Đạo đức nhân quả thể hiện bình đẳng giữa con người và con người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, không kể màu da, sắc tộc, tôn giáo quốc gia, văn minh hay chậm tiến. Không chỉ thế nó còn tạo nên tình thương yêu, gắng bó, tôn trọng sự sống muôn loài từ cỏ cây, chim muông, cầm thú… Chỉ có đạo đức nhân nhân quả mới giúp con người coi trọng, yêu thương và bảo vệ thiên nhiên . Cũng từ những việc đó, đạo đức nhân quả đã chuyển hóa mỗi con người, giúp họ trở nên cao thượng

Sẽ giúp giảm đi nhiều tệ nạn xã hội

Ngay từ đầu ở học đường nếu chuẩn bị cho lớp trẻ ý thức về đạo đức xã hội, về quy luật nhân quả thì chắc chắn xã hội cũng sẽ giảm đi khá nhiều tệ nạn như ngày nay. Một người quen nhận hối lộ hoặc móc ngoặt tham ô, được càng nhiều càng tốt, nhưng khi bị còng tay thì hối hận nghĩ rằng thà nghèo mà an lạc. Và cũng từng có những người khi ý thức về đạo đức nhân quả thì tự khắc thủ phận an thường, xài đồng tiền do mồ hôi nước mắt của mình làm ra để tâm hồn luôn thoải mái. Tình cảm và ý thức tôn giáo hỗ trợ một phần cho sự nhận thức hành động của một tín đồ, nhưng xa hơn luật nhân quả là một định luật không thuộc tôn giáo, không thuộc đặc tính xã hội mà là quy luật tất yếu của mọi chúng ta qua lời nói, hành động và ý tưởng để trở thành  đặc tính trong một xã hội văn minh tiến bộ. Những quốc gia văn minh họ kinh tởm loại văn minh sát hại động vật. Một xã hội thiếu tình cảm đối với động vật thì chưa nói đến tình cảm nhân loại chính vì thế nhiều quốc gia sát hại sinh vật nhiều quá cũng là những quốc gia liên tục gánh chịu thiên tai, tệ nạn xã hội tràn lan, lâm vào áp lực của chiến tranh và nền hòa bình khó mà lâu dài.

Là quy luật đời sống không ai tránh được

Ngày nay, khi xã hội phát triển đến một mức độ tột cùng thì mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều được giải quyết dưới lăng kính khoa học. Cuộc sống con người đang bị cuốn hút bởi những dòng thác vật chất, bởi sự bùng nổ của những khám phá và phát minh trong nghành khoa học hiện đại. Con người đang dần lệ thuộc và tỏ ra tự mãn trước  những thành tựu mà họ đã và đang đạt được. Trong xã hội lúc này xuất hiện những quan điểm cho rằng con người có thể cải tạo thiên nhiên và buộc thiên nhiên quay lại phục vụ cho những nhu cầu của con người. Trên phương diện vật chất ta không phủ nhận những thành tựu khoa học đạt được đã mang lại cho con người một đời sống đầy đủ và tiện ích hơn. Nhưng trên phương diện luân lý đạo đức của xã hội thì đạo đức nhân quả vẫn mãi là một quy tắc chuẩn mực mà con người không thể trốn chạy hay vượt qua. Dù con người có thành công đến đâu đi nữa thì vẫn không sao tránh khỏi những tác động âm thầm từ tính chất nhân quả. Bởi lẽ, chúng ta phải hiểu rằng tính nhân quả không phải là một sản phẩm do Đạo Phật tạo ra, mà nó là một quy luật tất yếu trong vũ trụ. Đức Phật chỉ là người khám phá và chỉ ra cho con người nhận biết. Cũng như bản chất Phật tánh của mỗi con người ai cũng có, nhưng do vô minh vọng tưởng ta không nhận ra được điều đó.

Là chuẩn mực ai ai cũng nên hướng đến

Đạo đức con người ngày càng bị tha hóa trước những lợi danh, vật chất. Trong một số gia đình truyền thống gia phong lễ giáo xưa nay là niềm tự hào của dân tộc nay đã bị đảo lộn. Thật đau lòng biết bao khi hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh trái ý nghịch lòng, xem thường đạo đức. Trong đó cảnh con giết cha, chồng giết vợ, trò đánh thầy . . . không còn là điều xa lạ với xã hội ngày nay. Rồi lại những tệ nạn mại dâm, ma túy, trộm cướp, giết người … đang là ung nhọt đau nhức, nó làm băng hoại giá trị đạo đức con người và xã hội. Ngay cả những con người đại diện cho pháp luật, là bộ mặt cho xã hội cũng bị tha hóa bởi nạn tham ô hối lộ, khiến cho nền kinh tế trở nên chậm phát triển, bao người dân rơi vào hoàn cảnh khốn đốn. Tất cả những hiện tượng trên là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái của những giá trị luân lý đạo đức con người. Hệ quả ấy là do đâu? Phải chăng do một bàn tay vô hình nào đó đang chi phối và làm thay đổi trật tự của xã hội. Không nói ra có lẽ ai cũng biết, hệ quả không ai khác hơn chính tự thân của con người tạo tác. Qua đó ta sẽ thấy rõ hơn quy luật của xã hội dưới sự tác động của tiến trình nhân quả. Một khi những thỏa mãn về nhu cầu vật chất đạt đến tột đỉnh thì yếu tố đạo đức con người ngày càng suy thoái. Làm thế nào để cân bằng một xã hội vừa đầy đủ những nhu cầu vật chất, vừa không đánh mất đi giá trị nhân văn đạo đức của con người. Từ  những hiện trạng trên cho thấy vấn đề luân lý đạo đức nhân quả trong xã hội cũng đang là thực trạng mà mỗi chúng ta cần nhìn nhận. Tuy nhiên, để cho lý nhân quả được trở nên thiết thực và cụ thể, đòi hỏi con người phải thật sự ứng dụng  vào đời sống một cách đúng đắn, hầu xây dựng một xã hội hướng thượng tốt đẹp.

Áp dụng đạo đức nhân quả vào đời sống như thế nào cho đúng?

Ngày nay, xã hội trở nên mất cân đối giữa đời sống tinh thần và vật chất. Nền khoa học thì phát triển mạnh mẽ như vũ bão, trong khi đó thì đời sống đạo đức con người ngày càng trở nên suy thoái. Tôn ty trật tự, luân lý đạo đức trong gia đình cũng như ngoài xã hội không còn nét đẹp truyền thống như xưa, mà dường như còn bị xem nhẹ. Một bộ phận giới trẻ ngày nay xem chuẩn mực đạo đức như một định kiến cổ hủ phong kiến. Chính bởi những đam mê dục vọng của cái gọi là thời buổi tân tiến hiện đại đã khiến cho bao con người trở nên điên đảo quay cuồng. Đó chính là những dấu hiệu rõ nhất cho thấy sự suy thoái của nền đạo đức nhân quả trong thời đại mới. Trước những thực trạng ấy, vấn đề giáo dục đạo đức thông qua giáo dục  con người nhận biết và tin sâu giáo lý nhân quả càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Điều đó không có nghĩa là áp đặt cho thế trẻ một định kiến mà nhằm giáo dục hướng dẫn cho họ nhận thức đúng đắn về giáo lý nhân quả ở một góc độ thiết thực và khoa học nhất. Hơn nữa mỗi chúng ta cần áp dụng nó vào đời sống một cách thiết thực và có ý nghĩa nhất. Trong mọi cử chỉ nói năng hay hành động điều phát xuất từ những suy nghĩ thiện. Điều đó cũng có nghĩa là trước khi  làm một việc gì chúng ta phải nghĩ đến hậu quả của nó sẽ mang lại cho người khác hạnh phúc hay khổ đau. Nếu hạnh phúc ta nên phát huy, nếu khổ đau ta nên đoạn tận. Hành động phát huy và đoạn tận cũng chính là thanh lọc cho tâm ý luôn được thanh tịnh và trong sáng dưới sự soi sáng của giáo lý nhân quả.

Không thể có chuyện đời sống vật chất càng phồn thịnh thì con người càng hạnh phúc. Thế nên đạo đức nhân quả luôn phải được đặt lên hàng đầu cuộc sống xã hội và mỗi cá nhân. Từ đó nó toả sáng điều chỉnh mọi hành vi và dẫn dắt con người trên đường tiến hoá. Nhưng đó phải là nền đạo đức  nhân quả chứ không thể là thứ đạo đức chung chung hoặc đạo đức phục vụ cho một giai cấp hay một tập đoàn thống trị nào. Bản thân mỗi người cần nhớ rõ đạo đức nhân quả chính là chiếc la bàn cho họ trong đêm tối giữa cánh rừng mịt mùng vô minh.

Loading...