Đức Thích Ca có nói: Ta thuyết 49 năm mà không để lại lời nào. Đó là vì Phật sợ người ta sau này sẽ nhái theo ông, mượn lời của ông để nói bậy bạ. Người đời có câu Tam Sao Thất Bổn (hay Tam Sao Thất Bản) tức là 3 lần chép lại thì mất bản gốc. Huống chi là 500 năm sau lời Phật nói mới được ghi xuống thì có còn đúng được hay không?

Người tu thì phàm phu tăng nhiều mà thánh tăng thì hiếm. Phàm phu tăng nói 10 chuyện về đạo đã trật hết 9, kinh nào cũng nói là kinh của Phật thì người coi kinh làm sao biết đâu là lời của phàm phu tăng, đâu là lời của thánh tăng? Bởi vì tất cả kinh đều ghi: một thời tôi nghe đức Phật nói như vầy… Chỉ có như vậy không đủ để xác minh đó là lời của Phật nói.

Tinh thần khoa học dạy chúng ta: dù là lời của Phật vẫn phải suy xét, phối kiếm với thực tế để xem có đúng chánh lý hay không, huống hồ gì là lời của phàm phu tăng.

Sách đúng thì ít, mà sách trật thì rất nhiều do đó mới có tới 3 tạng kinh điển !!! Số lượng kinh sách khổng lồ tới như vậy là do có học giả lẫn phàm phu tăng viết thêm vào và gán cho đó là lời Phật nói, nếu mình tin vào những kinh sách đó không khác nào đã bị gạt. Cho nên muốn coi kinh sách phải có có đủ sáng suốt và trí tuệ, có đầu óc khách quan để phê bình, nhận định đúng sai, phân biệt chánh thuyết với tà thuyết, nhận định xem điều gì có đúng thì nó đúng đến đâu và điều gì sai thì nó sai tới mức nào, bởi vì kinh sách không phải là chân lý, trong đó có nhiều điều sai và đầy mâu thuẫn. Nếu tự mình không có trình độ như vậy thì cần phải có bạn giỏi hơn mình, hay thầy giỏi hơn mình để chỉ giúp cho mình cái mình không hiểu.

Quá tin vào kinh sách
Quá tin vào sách thà đừng đọc sách còn hơn

Tự coi kinh sách mà thiếu trí, gặp cuốn sách bậy, gặp người thầy dởm thì sẽ bị nhồi sọ cho ngu thêm chứ không thu hoạch được ích lợi gì, đọc kinh sách sẽ không chuyển được kinh mà trái lại sẽ bị kinh chuyển cho tới tẩu hỏa, nói toàn chuyện khùng điên ảo tưởng mà tưởng là nói kinh điển. Người đời sẽ thấy mình nói không đúng lý lẽ, mà lẽ đời còn không trúng thì nói gì đến lẽ đạo!

Loading...

Chúng ta vẫn được thường xuyên nhắc nhở khi đọc mọi lý thuyết, dù là lý thuyết được xem là chân lý trong kinh điển đi nữa, chúng ta cũng không nên có tinh thần nô lệ kinh điển mà phải tra xét, kiểm nghiệm lại với thực tế siêu hình và hữu hình, và khi mang lý thuyết ra thực hành thì cần phải loại bỏ những gì không phù hợp với thực tế hay bổ sung thêm những khiếm khuyết chứ không nên nhắm mắt nhất nhất y theo, như vậy chỉ có hại chứ không có lợi.
Thà là không tu, không coi kinh còn hơn là học bậy, tu bậy rồi làm nhiều chuyện xằng bậy, trở thành người quái gở, bất bình thường hơn người không tu.

Vậy xin nhắc lại một lần nữa, đọc kinh sách phải có tinh thần khoa học, phải nên thận trọng kiểm nghiệm lại mọi lý thuyết, như Mạnh Tử từng nói: “Quá tin vào sách thà đừng đọc sách còn hơn”. Và có người còn cho rằng những gì của cổ nhân để lại chỉ là những cặn bã, chỉ để nghiên cứu chứ không phải là chân lý để ta tuyệt đối tin tưởng vào. Phải biết tự mình gạn lọc ra, để bỏ cái sai lấy cái đúng, như ta ăn trái cây thì biết bỏ vỏ, bỏ hột vậy.

Chính Đức Phật đã từng nói: “Những lời thuyết giảng của Đức Phật cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng”.

Đối với người tỉnh tu có trí tuệ thì tất cả những pháp đúng đắn, những lời hay ý đẹp, những gì thực có ích lợi của bất cứ tôn giáo nào chúng ta cũng đều nhận mà học, với tinh thần học đạo như vậy nên đứa con nít nói đúng chúng ta vẫn nghe theo, còn lời nói của người mũ cao áo dài với danh xưng to lớn như Đại Đức (tự xưng mình có đạo đức lớn), Thượng Tọa (tự xem mình ngồi chiếu trên), Pháp Vương (vua phép)…ngay cả lời của Phật thuyết, hay lời được cho là phát xuất từ Thượng Đế đi nữa mà nói sai thực tế chúng ta cũng bác bỏ, không nhận. Dù tôn trọng đức Phật nhưng chúng ta không có tinh thần làm nô lệ đức Phật hay nô lệ vào bất cứ cái pháp nào của các đạo nói chung, và của đạo Phật nói riêng.

Loading...