Gia lễ ảnh hưởng sâu sắc tới phẩm cách, cuộc sống của con người Việt Nam. Trong một gia đình có truyền thống đạo đức, gia lễ luôn được tôn trọng hàng đầu, chiếm một vị trí quan trọng trong việc giáo dục con cái.

Gia lễ hiểu một cách đơn giản là những lễ nghĩa theo tập tục ở trong mọi gia đình. Những nghi thức này được phân loại và cử hành theo định kỳ của thời gian trong năm hoặc là trong những chuyển biến sinh hoạt, có khi là một biến cố trong đời sống con người. Những lễ nghi trong gia đình, từ xưa thông thường được thực hiện theo lời giáo huấn truyền khẩu, người đời trước chỉ bảo cho người đời sau. Không có mấy văn tự rõ rệt kể ra hết chi tiết và giải thích tận tường mọi ý nghĩa. Trong khi sách vở xưa bị mất mát, thất lạc vì những biến cố thời cuộc của đất nước, thực tế cuộc sống con người liên tục thay đổi, thức bách vì nhiều nguyên nhân, gần như không còn có gia đinh nào còn đủ tâm trí để ghi lại những thủ tục lễ nghi trong gia tộc của mình. Vì đó, đời sống của lớp người trẻ ngày nay số ít trở nên lạc lõng phóng túng khác hẳn nếp ăn ở có khuôn phép của những người thuộc các thế hệ bốn năm mươi năm trở vê trước. Không biết gia lễ là gì, tức là thiếu giáo dục gia đình, tất nhiên con người thiếu hẳn căn bản nhân phẩm.

Nhiều bạn trẻ ngày nay hoàn toàn không hiểu mình sẽ phải làm gì trước những sự kiện hôn nhân, tang chế và tế lễ. Thậm chi còn có một số không biết gì đến cái bàn thờ ở trong nhà. Do đó, mọi cách ăn ở, đối xử trong hệ lụy nhân sinh đều lệch lạc ít nhiều.

Đối với những người thuộc các thế hệ có phẩm cách gia giáo xưa, mỗi khi đến nhà ai, người ta nhìn trước tiên vào bàn thờ ở trong nhà để tìm biết mình phải ngồi vào chỗ nào cho thích hợp. Thế hệ ngày nay không biết cách nể nang và thiếu tự trọng.

bàn thờ gia tiên
Thế hệ trẻ nhiều người không biết thờ cúng

Thế hệ xưa khi còn là trẻ nhỏ mới ba bốn tuổi đã biết “đi phải thưa về phải trình”, biết cung kính nội ngoại, biết lạy bàn thờ, ngày nay trẻ con “đi dông di dài không ngại sợ ai”. Ra đường, trẻ nít thời trước biết chào hỏi người lớn cung kính, nói ra biết thưa, biết vâng, biết dạ, còn trẻ con ngày nay thì “phang ngang bửa củi”, tục tằn, đánh chửi nhau, trâng tráo. Thậm chí đến đôi ba mươi tuổi, có người bị phê phán “không biết lễ nghĩa là gì”. “Không biết lễ nghĩa là gì” cũng có nghĩa là vô học, là ngu dốt, thiếu giáo dục gia đình.

Loading...

Lễ nghĩa là căn bản của cách ăn ở của một người Việt Nam, phải được học vào đầu đời ngay trong gia đĩnh. Theo truyền thống tập quán, những căn bản này phải được những người lớn trong gia đình chỉ dạy cho con em ngay khi chúng mới biết ăn biết nói, chứ không phải đợi chúng tới tuổi vào trường lớp mà giao phó trách nhiệm cho thầy cô giáo.

Bởi vì, những căn bản này luôn phải căn cứ vào khuôn phép của GIA LỄ và GIA GIÁO truyền thống của gia đình.

Không có được nhận thức cơ bản và chín chắn này, nhiều gia đình cứ mãi sai lạc, đến nỗi buông trôi theo thời gian, trẻ con khôn lớn nhanh chóng trong trình trạng thiếu giáo dục, thậm chí còn đến mức hư hỏng. Vấn đề này phải được những bậc cha mẹ ý thức, chấn chỉnh lại.

Loading...