Bỏ qua mọi thứ, điều bạn nhận thấy chỉ đơn giản đó là cuộc đời. Kể từ giây phút tôi nhận ra tôi đã bị giam cầm trong nhà tù do chính mình tạo ra, đến nay tôi đã hoàn toàn gỡ bỏ được nút thắt và thực hiện những ý tưởng điên rồ của mình. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ: “ Nói bao giờ chả dễ hơn làm”! Không hẳn vậy, bởi nỗi sợ hãi luôn là kẻ thù số một của con người.

Có người cho rằng sợ hãi là một phần của cuộc sống xuất hiện khi ta còn là đứa trẻ. Đứa trẻ mới chào đời, lớn dần lên đã biết sợ : sợ người lạ, sợ bóng tối, sợ con vật, sợ vắng cha vắng mẹ, sợ đến trường đến lớp. Lớn lên, con người tích thêm những nỗi sợ khác, đủ kiểu, đủ màu. Nỗi sợ có nhiều định dạng và muôn mặt kích thước. Cứ như thể, con người sống chỉ biết có mỗi nỗi sợ, mà chẳng biết gì khác ngoài nó nữa. Sợ hãi cũng lây nhiễm, lôi kéo, mang tính bầy đàn. Người ta có thể ngửi được mùi sợ hãi của người khác, và nếu không vững đủ, cũng dễ ăn theo vào cái chốn sợ hãi của người khác bằng sự vô thức của mình.

Có người mở mắt ra đã sợ. Đêm về, chợp mắt rồi, mà sợ hãi vẫn vây quanh. Người ta sợ đủ thứ. Từ cái nhỏ đến cái lớn. Sợ từ ở trong nhà ra ngoài phố ngõ. Sợ từ ở bên ngoài, và đi vào miền tâm hồn. Từ nỗi sợ con dán nhỏ xíu ở đời thường, cho đến nỗi sợ con hổ dữ tợn trong tranh vẽ. Nỗi sợ không ở số ít, trong phép cộng. Nhưng gia tăng theo lũy thừa. Sợ đến từ ngoại cảnh: sợ thiên tai, động đất, sợ chiến tranh, sợ ly tán, sợ tai nạn giao thông, sợ mất nhà, mất đất, sợ tăng giá, sợ dùng phải hàng giả, sợ thất nghiệp, sợ mất chức, sợ nghèo, sợ đói, sợ bệnh tật, sợ chết…

Nhưng mấy nỗi sợ ấy, có thể khống chế được, vượt qua được nó để sống và tồn tại. Nhưng có những nỗi sợ mà người ta biết mình khó lòng thoát ra được, như những ký sinh trùng đáng gờm xâm nhập cơ thể, làm cho con người chết dần chết mòn, khó tìm ra bệnh hoặc không có thuốc chữa. Sợ cái xã hội huênh hoang, ra chiều đạo đức, nhưng lại ẩn chứa cả một sự xuống cấp luân lý, đạo đức, nhân cách của một số đông con người đang nắm vị thế. Sợ cái cán cân công lý xã hội đã bị kẻ gian “phù phép”, khó lòng tìm lại được. Sợ những con người “trình độ chỉ có vậy”, bất chấp sinh mạng của người khác, để nói bừa, làm bậy. Sợ cái quy luật “cá lớn nuốt cá bé” trong xã hội loài người.  Sợ cái xã hội mà ta đang tồn tại, sống chung với nó. Một xã hội với nhiều vết thâm đen. Mà xã hội đó là gì. Nó không đơn thuần là một khái niệm về ngôn ngữ,  nhưng là cái hình dạng được con người làm ra nó. Xã hội tốt hay xấu là do con người đúc kết. Cái xã hội trắng đen ấy đâu tự nó hình thành, mà do chính con người nhúng màu vẽ ra, nhào nặn ra nó.

Hóa ra con người lại sợ chính mình… chủ thể của xã hội. Ở nơi đó, con người chạm đến những nỗi sợ ẩn giấu bên trong. Sợ mất ảnh hưởng. Sợ mất thanh danh. Sợ đụng chạm. Sợ “tai bay vạ gió” nên từ chối sống nhân ái. Sợ bị trả đũa, nên ngậm miệng không nói lời chân lý. Sợ giáng chức nên nín thở qua cầu, sống kiểu hai mặt, khôn ngoan kiểu con rắn. Để chống chọi với nỗi sợ, nhiều người đã tìm nhiều phương thức để “vượt qua” sự sợ hãi bằng những chiêu bài ích kỷ. Họ không ngần ngại đạp đổ tha nhân để vượt qua nỗi sợ. Thay vì chiến đấu “chính nghĩa” để chống lại sợ hãi, họ lại bị “cứng đờ”, khiếp đảm và mặc kệ tất cả. Cái tập hợp cảm xúc từ sợ hãi vẫn có nhưng đã trở nên những cảm xúc vô nghĩa của một sự đầu hàng, ăn theo một thứ chủ nghĩa cá nhân, hưởng lợi, dần dà đến sự vô cảm. Ta bắt đầu sợ sự vô cảm của con người thời đại. Sợ nhân cách, đạo đức giả. Sợ sự chai lì cảm xúc. Sợ khuôn mặt vô cảm. Sợ kiểu sống thực dụng, vơ vét. Sợ gặp gỡ… sợ tương giao, vì nơi đó, ta cảm thấy bất an, không tin nổi. Đến cái sợ của tâm lý. Sợ cô đơn. Sợ bị quên lãng. Sợ bị coi thường…

Loading...

Đến một lúc nào đó, ta chợt nhận ra và khiếp đảm sợ hãi cái “rách nát” trong tương quan với tha nhân. Một nỗi sợ nặng ký, không cần phân tích, vì nó đã bẻ gãy tương quan giữa con người với nhau, tạo nên một hố sâu ngăn cách. Không có yêu thương. Sẽ  chỉ là một thế giới vô nghĩa, đầy dẫy những nỗi sợ, khủng hoảng. Nó sẽ lý giải cho cái xã hội thực dụng, mà nơi đó, con người không ngần ngại bóc lột tha nhân, biến anh em mình thành dụng cụ, hàng hóa phục vụ cho mưu cầu riêng.

Và người ta không còn biết gì nữa về khái niệm nhân nghĩa, bác ái, yêu thương. Con người cân đong đo đếm nhau dựa trên giá trị vật chất, trình độ, vi bằng, chức vụ, cướp mất giá trị đích thực quý giá, căn bản vốn có. Và ta sẽ còn hoảng hốt, sợ hãi tột cùng, đổ toát mồ hôi, run rẩy… …khi phải sống cùng kẻ “nghèo”  tâm linh, nhưng lại “giàu thói kiêu căng”, kẻ đã hái trộm – nuốt vội trái cấm để thực hiện khát vọng, sẵn sàng quay lưng lại người thân.

Bởi nó sẽ lý giải được biết bao thảm họa đau thương, những khốn cùng chất chồng, những phi lý, những bất công, bạo lực, giả dối, vô tâm, suy đạo đức … mà con người đang phải hứng chịu.

Loading...