Bài giảng rất hay về nhân quả của thầy Thích Phước Tiến với chủ đề “Ở hiền gặp lành” ở chùa Tiên Châu, Vĩnh Long.

“Ở hiền gặp lành” là câu tục ngữ phản ánh rất cơ bản triết lý nhân quả của đạo Phật tuy nhiên có nhiều người không tin vào điều này vì thực tế có người cảm thấy mình ăn ở rất tốt nhưng gặp toàn chuyện không may, cuộc sống nhiều khổ đau… trong khi có nhiều người làm đủ chuyện ác nhưng cuộc sống vẫn sung sướng, chẳng thấy “ác giả ác báo” đâu cả.

Để làm rõ điều này chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của chữ HIỀN theo quan điểm của Đức Phật. Có thể thấy giáo lý của đạo Phật đã ăn sâu vào lòng quần chúng từ rất lâu đời phản ảnh qua những thành ngữ, tục ngữ, ca dao được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, dân gian thường hiểu chữ Hiền này là Hiền Lành, nhiều người nghĩ đơn giản rằng chỉ cần không động chạm đến ai, không làm tổn hại gì cho người khác thì sẽ được gặp lành nhưng thực tế không phải như vậy. Ở Hiền không phải là ai thích làm gì thì làm, cứ phải nhẫn nhịn đi, oan ức không cần bày tỏ,… như vậy là nhu nhược, cái Hiền này là Khờ, là không hiểu biết. Nếu chúng ta cứ nghĩ theo hướng như vậy thì chúng ta sẽ làm được gì cho cuộc đời? làm sao để thúc đẩy xã hội phát triển được?

Chữ Hiền trong đạo Phật là Hiền Trí, tức là phải phân biệt được cái thiện, cái ác, cái đúng, cái sai, làm những việc có ý nghĩa, đóng góp cho xã hội… Cho nên một người đôi khi nói những lời khó nghe, thậm chí chửi mắng thậm tệ người khác (ví dụ cha mẹ mắng con, anh mắng em,…) nhưng chưa chắc người đó đã là không Hiền. Chỉ cần tấm lòng từ bi, từ bi từ trong suy nghĩ và làm những việc tốt cho người khác thì đều coi là lương thiện.

Chúng ta biết rằng cướp của, giết người, lừa đảo, trộm cắp,… là những việc xấu, chúng ta không làm những việc xấu đó thì được coi là ở Hiền rồi nhưng nếu chúng ta còn giúp đỡ, bảo vệ được người khác, làm đẹp cho đời, cho xã hội thì cái Hiền của chúng ta mới phát huy giá trị tối đa.

Loading...
Loading...