Trong nhiều bài kinh chúng ta cũng thường thấy hình ảnh đức Phật cũng bị bệnh tật. Đúng vậy đã có thân thì chắc chắn phải có bệnh. Vậy nguồn gốc của nó là từ đâu? bệnh tật cũng do nhân quả sinh ra, nghiệp lực tác thành. Nó bắt đầu từ lúc con người ta sinh ra. Con người luôn có bệnh dù nó ở thân hay tâm mình điều đó là chắc chắn. Người có tâm lành mạnh và hành vi thiện lành sẽ ít bị vấn đề nơi thân hơn là người có tâm bệnh. Nếu tất cả những vấn đề của tâm đều được giải trừ, thì đó là giải thoát. Người có thân hình mạnh khỏe nhưng tâm bệnh chắc rằng sẽ đau khổ nhiều hơn là người chỉ có những vấn đề nơi thân xác. Thân bệnh thì đau đớn còn tâm bệnh thì khổ não. Phật pháp không thể giúp chúng ta khỏi nỗi đau, nhưng nó có thể giúp diệt trừ khổ não.

Thân bệnh

Thân bệnh phát sinh là do tích lũy những chất độc bao gồm ý nghĩa tinh thần cũng như vật thể. Hay đem vào trong cơ thể những thức ăn hằng ngày không tốt cho cơ thể mà chúng ta không biết cũng như không để ý vì do tập quán. Rồi từ đó theo dòng thời gian thì những chất độc này không được đào thải hết ra ngoài và nó ở lại trong người và chính lúc đó thân bệnh hình thành. Có câu hỏi được đặt ra tại sao những chất độc đó không tạo thành một loại bệnh? Câu trả lời là cơ thể mỗi con người không hề giống nhau, có người yếu về bộ phận này nhưng lại mạnh về bộ phận khác, một phần do yếu tố di truyền từ cha mẹ truyền lại. Chất độc tụ lại trong người khi nó vượt quá giới hạn nào đó mà cơ thể không còn chịu đựng được nữa, cũng vì thế mà có người sinh ra bệnh.

Thân bệnh và tâm cũng bệnh

Một con người chưa học hỏi cũng như nghe Chánh pháp, thì chắc chắn khi đối diện với sự sinh khởi, vị ngọt hay tai họa cũng như xuất ly của sắc thân, người ấy sẽ không thấy biết như thật cho nên đối điều này có thể nảy sinh ý niệm tham ái, ưa thích, đắm trước, rồi dẫn đến bản thân cho rằng ngã là chủ thể của sinh mạng, hoặc giả cho rằng sắc thân này là tôi. Vì chấp trước như thế nên khi sắc thân này phát sinh bệnh tật hay biến hóa và bại hoại thì tâm cũng theo đó mà bị tác động khiến sinh khởi ưu, bi, não, khổ, khiếp sợ, luyến tiếc, không buông bỏ được, gây chướng ngại giải thoát và làm cho bệnh thêm trầm trọng.

Tâm bệnh thì khổ não

Bệnh hoạn nơi tâm hồn chúng ta phần lớn là do thói quen ôm vào những cái không phải của bản thân mình. Bản tính con người chúng ta luôn giành lấy những gì có thể nhìn thấy hay sờ mó được trên thế gian này.Khi nói đến tâm bệnh thì không thể nào mà không đề cập đến ba thứ độc hại: tham, sân và si là những thứ luôn tiềm ẩn trong con người chúng ta.

Thân bệnh đừng để tâm bệnh

Một khi thân bệnh mà tâm không bệnh, thì dù thân bệnh nặng cũng không vì vậy mà sầu  khổ, ngược lại sẽ luôn biết lạc quan, tự tin và tinh tấn hành trì cố gắng thực tập lời Phật dạy, lấy thân bệnh như đối tượng để thiền quán cố gắng tập buông xả, sống thảnh thơi, nhờ vậy bản thân có thể chuyển hóa được mọi nghiệp lực đã tạo thành mà vượt qua được tật bệnh. Nhưng khi để tâm có bệnh thì chắc rằng dù thân thể có khỏe mạnh cũng chẳng có gì an vui. Mỗi người chúng ta hãy sống giống như tinh thần mà đức Phật luôn hướng dẫn để tìm ra sự thật của nó, khi bản thân con người đã hiểu biết cũng như nhận thấy sự thật của các pháp thì bản thân sẽ không còn thấy sợ hãi hay lo lắng mỗi khi bệnh tật, cảm thọ tác động lên hoặc có một số tai nạn rủi ro xảy ra trong cuộc sống đời thường. Chúng ta hãy biết ứng dụng phương pháp và cách thức vượt qua bệnh khổ trên thân mà chính đức Phật đã chỉ dạy để cho thân tâm ngày nào cũng được thanh thản và an lạc.

Loading...

Đã biết thân là gốc khổ, không bị nó chi phối thì chắc chắn tâm chúng ta sẽ thanh tịnh an nhàn, dù cuộc đời gặp cảnh thuận nghịch hay danh lợi bày ra trước mắt ta cũng không bị lay động. Bản thân luôn làm chủ tâm mình, không để những tâm tham lam, sân giận, si mê hoành hành gây tổn thương đến mình và người. Biết quảng đại mở rộng tấm lòng từ bi để có thể yêu thương đến muôn loài vạn vật và những kẻ khốn khó. Để hiện tại chính bản thân mình và người được an vui mai sau giải thoát.

Loading...