Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 tại làng Minh Hương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng quê nội của Thiền Sư gốc ở Thanh Hoá còn quê ngoại ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh không chỉ là một vị thiền sư nổi tiếng thế giới (được coi là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đức Đạt-lại Lạt-ma), ông còn là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và là người vận động cho nền hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma.

Tiểu sử thiền sư Thích Nhất Hạnh

Cuộc đời của Thích Nhất Hạnh có thể xem là có duyên với Phật từ nhỏ, chính vì thế vào năm 16 tuổi (1942) ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu (ở gần Huế) để bắt đầu con đường tu hành của mình cùng với thầy là Thiền sư Thanh Quý Chân Thật.

Thầy Thích Nhất Hạnh tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc ở miền Trung nước ta (khi đó vẫn nằm trong sự kiểm soát của Đế quốc thực dân Pháp). Ông tu học thiền theo trường phái Đại thừa và chính thức trở thành nhà sư năm 1949. Nhờ vào trí tuệ thông minh và nỗ lực tu tập, ông đã được công nhận là một thiền sư và là người lãnh đạo tinh thần của chùa Từ Hiếu cũng như nhiều tu viện khác, được xem là tổ của Từ Hiếu tự đời thứ 8 của dòng Liễu Quán đời thứ 42 thuộc phái Thiền Lâm Tế Dhyana.

Ngày 1 tháng 5 năm 1966, Thích Nhất Hạnh chính thức trở thành một người thầy dạy về thiền sau khi nhận được ấn khả chứng minh của Thiền sư Chân Thật. Ông cũng được xem là người có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo phương Tây, là vị thiền sư đầu tiên đưa ra cách tiếp cận hiện đại đối với thiền dựa trên việc giác ngộ và lĩnh hội nội dung của các trường phái Thiền, Phật giáo Thượng tọa bộ, truyền thống Phật giáo Đại thừa, cùng với những phát kiến của ngành tâm lý học hiện đại ở phương Tây.

Loading...

Quá trình hoạt động của thầy Thích Nhất Hạnh

Năm 1956, Thầy Thích Nhất Hạnh trở thành Tổng biên tập của Phật Giáo Việt Nam, đây là tờ báo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam – là tổ chức quy tụ những đoàn thể Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam khắp ba miền Bắc, Trung, Nam thời Chiến tranh Đông Dương.

Năm 1964, Thầy Thích Nhất Hạnh cũng là người chủ trương đứng lên thành lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (School of Youth for Social Services – SYSS) ở Sài Gòn – Đây là một tổ chức từ thiện giúp ứng dụng Phật pháp nhằm giảm bớt đau khổ mà chiến tranh mang lại, giúp người dân xây dựng lại các làng mạc bị bỏ bom, xây dựng các trường học, trạm xá, và bệnh viện,…

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Cuộc đời ông là những chuỗi hoạt động ý nghĩa và đầy tính nhân văn nhân đạo

Cũng trong năm 1964 này, thầy Thích Nhất Hạnh đã thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, là viện đại học tư thục Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, tập trung các nghiên cứu về Phật giáo, triết học, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên đến năm 1975 thì Viện Đại học Vạn Hạnh được chính quyền trưng dụng và trở thành một phần của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Tháng 2 năm 1966, thầy Thích Nhất Hạnh sáng lập ra Dòng tu Tiếp Hiện, đồng thời lập ra các trung tâm thực hành và nhiều thiền viện trên thế giới. Nơi cư ngụ của ông là ở Tu viện Làng Mai thuộc miền Tây Nam nước Pháp. Kể từ đó, cuộc đời của ông gắn liền với việc du hành khắp thế giới  để thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường xuyên ra nước ngoài (chủ yếu ở Mỹ và Châu Âu) với mục đích vận động hòa bình, nghiên cứu và diễn thuyết tại các nhiều trường đại học nổi tiếng.

Liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kêu gọi Martin Luther King, Jr (một mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi đạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, người được coi là một anh hùng, nhà kiến tạo hòa bình và thánh tử đạo, người có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử đương đại của phong trài bất bạo động trên thế giới) công khai đấu tranh chống lại Chiến tranh Việt Nam. Sau đó, King lên tiếng đề cử thiền sư Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình vào cuối tháng 1 năm 1967.

Cũng trong năm này, thầy Thích Nhất Hạnh thành lập Nhà xuất bản Lá Bối đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên xuất bản các ấn phẩm của Thiền Sư Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai (còn gọi là Đạo tràng Mai thôn, một cộng đồng tập thiền ở Tây Nam nước Pháp do thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập) với mục đích hướng dẫn mọi người đến với lý tưởng từ bi và phụng sự, muốn sống trong chánh niệm và tỉnh thức để có hạnh phúc chân thực. Hiện nay, tất cả nhân viên của NXB Lá Bối đều là những người thiện nguyện hết lòng phục vụ cho lý tưởng từ bi và trí tuệ của đạo Bụt theo truyền thống Làng Mai. Tìm hiểu thêm tại website: www.laboi.com

Với vai trò là một người thầy của Phật giáo phương Tây, có thể nói mọi lời răn dạy và phương pháp tu tập của ông đã thu hút sự quan tâm của nhiều quan điểm tôn giáo, tâm linh và cả các đảng phái chính trị. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người dẫn đầu phái đoàn Phật giáo đến Đàm phán hòa bình tại Paris. Nhưng sau khi hiệp định Paris được ký kết (1973) do những hiểu lầm nên ông bị cấm về Việt Nam và định cư tại Pháp từ đó đến nay.

Năm 1982, thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập Đạo tràng Mai thôn (còn gọi là Làng Mai) ở Tây Nam nước Pháp, cách thủ đô Paris 600 km. Đây là một ngôi làng có diện tích 1 km vuông, nơi tu hành và giảng dạy Phật pháp cho tất cả những người muốn tìm hiểu về thiền. Tại đây, thiền sư Nhất Hạnh từng tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, dùng những bài thuyết pháp nêu cao tinh thần từ bi của Đức Phật để khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau, đi tìm các giải pháp hòa bình.

Ông cũng từng tham gia vào việc giải cứu các thuyền viên người Việt ở vịnh Thái Lan nhưng sau đó do áp lực quá lớn từ chính quyền nước này nên ông phải dừng hoạt động. Sau đó thiền sư Thích Nhất Hạnh từng tổ chức diễu hành hòa bình ở Los Angeles với sự tham gia của hàng nghìn người đến từ nhiều quốc gia.

thiền sư thích nhất hạnh
Một con người với sự ảnh hưởng và lĩnh hội của hai dòng phật giáo trong nước và nước ngoài.

Năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh được trở về Việt Nam. Ông tiếp tục đi thuyết giảng Phật pháp khắp đất nước cùng các học trò của mình và cho xuất bản một số sách bằng Tiếng Việt.

Đầu năm 2007, được sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam gọi là “Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan” để cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những người đã từng phải gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc.

Trong suốt cuộc đời nghiên cứu và tu hành của mình ông đã xuất bản hơn 100 đầu sách, bao gồm 40 đầu sách bằng tiếng Anh, cùng với nhiều bài giảng thuyết pháp trên các tạp chí nổi tiếng.

Cuối năm 2014, ở tuổi 88, sức khỏe thiền sư Thích Nhất Hạnh đột ngột đi xuống. Tin này làm Phật tử rất lo lắng. Hiện thầy đã trở về Làng Mai để dưỡng bệnh sau thời gian dài nằm viện do tai biến mạch máu não.

Những câu nói nổi tiếng của thiền sư

1. Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.

2. Cũng như một người làm vườn biết cách dùng phân bón để cho ra những bông hoa tươi đẹp, người tu tập biết tận dụng nỗi đau khổ để tạo ra hạnh phúc.

3. Tự do có được nhờ tu tập và thói quen. Bạn phải rèn luyện mình cách bước đi như một người tự do, ngồi như một người tự do và ăn như một người tự do. Chúng ta phải rèn luyện bản thân về cách sống như thế nào.

4. Nói “Tôi yêu bạn” có nghĩa là “Tôi có thể mang tới cho bạn sự bình yên và hạnh phúc”. Để làm được điều đó, trước tiên, chính bạn phải là người có được những điều đó đã.

5. Một người tức giận là do không giải quyết được những đau buồn của mình. Họ là nạn nhân đầu tiên của sự đau buồn đó, còn bạn là người thứ hai. Hiểu được điều này, lòng tư bi sẽ nảy nở trong tim và sự tức giận sẽ tan biến. Đừng trừng phạt họ, thay vào đó, hãy nói gì đó, làm gì đó để vơi bớt nỗi đau buồn.

6. Chúng ta được tạo ra từ ánh sáng. Chúng ta là những đứa trẻ của ánh sáng. Chúng ta là con cái của thần mặt trời.

7. Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số 1? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hi sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc.

8. Hãy bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng bàn chân của mình.

9. Khi một người làm bạn đau khổ, ấy là vì ẩn sâu bên trong, nỗi đau khổ của anh ta đang tràn trề. Anh ta không đáng bị trừng phạt. Anh ta cần sự giúp đỡ.

10. Đôi khi niềm vui mang tới nụ cười. Nhưng cũng đôi khi, chính nụ cười mang tới niềm vui.

11. Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi.

12. Bởi vì bạn đang sống nên mọi thứ đều có thể thành sự thật.

13. Hãy cười, thở và bước đi thật chậm.

14. Mỗi sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười. Hai mươi tư tiếng mới mẻ đang ở trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn cho từng phút giây và xem xét mọi thứ bằng ánh nhìn từ bi.

15. Những mầm mống khổ đau trong bạn có thể thật mạnh mẽ, nhưng đừng đợi cho đến khi mọi khổ đau đi hết rồi mới cho phép mình được hạnh phúc.

16. Nhiều người cho rằng sự náo nhiệt là hạnh phúc. Nhưng khi quá náo nhiệt, sẽ không có bình yên. Hạnh phúc thật sự dựa trên sự bình yên.

17. Hành động của tôi nói lên tôi là ai.

18. Niềm hi vọng là điều rất quan trọng. Nó giúp cho hiện tại bớt khắc nghiệt. Nếu ta hi vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, ta sẽ chịu đựng được khó khăn của hôm nay.

19. Nếu bạn yêu ai đó nhưng hiếm khi dành thời gian cho họ thì đó không phải tình yêu thật sự.

20. Tình yêu của bạn phải khiến cho người yêu cảm thấy tự do.

21. Thời khắc hiện tại tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chỉ cần bạn để tâm, bạn sẽ nhìn thấy chúng

22. Tôi tự hứa với lòng mình rằng tôi sẽ vui sống từng phút giây mà đời ban cho tôi.

23. Tất cả suy nghĩ, lời nói, hành động của bạn đều mang dấu ấn của riêng bạn.

24. Con người đau khổ là vì các thành kiến. Khi nhìn mọi thứ cởi mở hơn, chúng ta sẽ tự do và chẳng còn khổ đau nữa.

25. Nếu chúng ta bình an, chúng ta hạnh phúc, chúng ta có thể cười. Và mọi người trong gia đình, trong xã hội có thể hưởng niềm vui từ chính sự bình an của ta.

26. Cội nguồn của tình yêu nằm sâu trong mỗi chúng ta. Chúng ta có thể giúp người khác hạnh phúc. Một lời nói, một hành động, một suy nghĩ cũng có thể làm vơi nỗi buồn và tăng hạnh phúc cho người khác.

27. Tôi đã tới. Tôi đang ở nơi cần ở. Điểm đến của tôi nằm trên mỗi bước đi.

28. Chúng ta cần học cách nghỉ ngơi và thư giãn. Nó giúp ta phòng chống bệnh tật và giảm ngừa căng thẳng. Nó giúp ta có tâm trí sáng suốt để tập trung giải quyết các vấn đề.

29. Mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta có thể lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản.

30. Tĩnh lặng là điều cốt lõi. Chúng ta cần tĩnh lặng như chúng ta cần không khí, như cái cây cần ánh sáng. Nếu tâm trí chúng ta lúc nào cũng đầy những từ ngữ và suy nghĩ, thì lấy đâu ra không gian cho chính chúng ta.

Có thể nói thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dùng cả đời của mình để cống hiến cho Phật giáo và nền hòa bình của nhân loại. Những đóng góp của thiền sư xứng đáng được người đời tưởng nhớ, một vị Phật sống trong lòng rất nhiều Phật tử trên thế giới.

Loading...