Tử thuở Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay thì tất cả các tu sĩ cũng như cư sĩ đều tụng kinh bằng tiếng Hán Việt. Dĩ nhiên, trong những thời Phật giáo thịnh hành thì các tăng sĩ sáng tác nhiều bài sám nguyện thật hay nhưng bằng chữ Nôm, một thứ chữ khó hơn chữ Hán cho nên không thể phổ biến sâu rộng được trong giới bình dân. Nghi thức tụng niệm của Phật Giáo Việt Nam tuy có chuyển mình từ tiếng Hán Việt ra Việt ngữ có tiến bộ, nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp và trong một vài Phật Học đường hay những chùa ở tỉnh thành còn các chùa ở miền quê hoặc những chùa thuộc các tông phái khác đều có nghi thức tụng niệm riêng. Nhưng nội dung kinh tụng vẫn là Kinh Di Đà bằng tiếng Hán Việt.

Tụng niệm là gì?

Tụng niệm tức là đọc lớn thành tiếng có âm điệu và thành kính những lời Phật dạy trong kinh sách. Vừa tụng niệm chúng ta vừa tưởng nhớ đến Phật, đến những lời Phật dạy.

Ý nghĩa nghi thức tụng niệm

Tụng niệm là để giữ tâm hồn con người được trong sạch và huấn tập tâm thức tốt, ôn lại những lời Phật dạy làm phương châm cho đời sống hàng ngày gieo giống bồ đề vào tâm thức cũng như kiềm chế thân, khẩu, ý tránh khỏi tai họa do nghiệp chướng, tội lỗi gây nên. Những lời dạy của Ðức Phật hay của những vị Bồ Tát là những lời quý báu có thể làm tiêu trừ các tội lỗi, diệt lòng ham muốn. Những lời dạy ấy cần phải thuộc lòng và đọc đi đọc lại nhiều lần để ghi nhớ, hiểu biết và làm theo. Do đó chúng ta phải tụng niệm. Nhờ tụng kinh mà lòng lắng dịu và ta có thể tránh xa các điều ác biết làm việc lành có lợi cho mình và cho người cũng như nhắc nhở mình luôn luôn tu học theo lời Phật dạy và sám hối lỗi lầm.

Niệm hương, lễ Phật

Việc niệm hương lễ Phật là điều rất tốt. Vì đó là phần lễ nghi, mục đích là để biểu hiện tấm lòng chí thành của mình đối với Tam bảo. Nó thuộc về phần sự tướng bên ngoài. Phật dạy phật tử bất cứ việc làm nào mà tương ưng với tánh giác thì việc làm đó mới có ý nghĩa lợi ích thiết thực. Nếu nói về phần sự tướng thì việc niệm hương cúng Phật đương nhiên là phật tử có phước. Phước có ra là do khi cúng Phật hay Bồ tát, phật tử đã thành tâm cung kính. Chính cái chỗ thành tâm cung kính đó nên phật tử mới có được phước báo.

Niệm Phật thế nào để tâm không tán loạn?

Nên vận dụng thân miệng mà niệm và không kể đến tánh hay định chỉ làm sao cho câu Phật không hở dứt tự sẽ được nhất tâm. Nhưng phải niệm mãi không thôi thì mới không còn lo tán loạn và lúc đó không cầu nhất tâm mà tự được nhất tâm. Chẳng nên cưỡng ép cho tâm quy nhất vì dù cưỡng ép cũng không thể được thật ra chỉ do người tu siêng săng hay biếng trễ mà thôi.

Loading...

do phải tụng niệm

Tâm chúng ta bị vô minh làm mờ đục chẳng khác gì nước bị bùn nhơ làm ngầu đục. Muốn cho nước đục kia hóa ra trong sẽ không có phương pháp nào hay hơn là gia một chút phèn vào thì các chất dơ bẩn ngầu đục kia dần dần lắng xuống bấy giờ nước đục trở nên trong sạch. Phương pháp tụng niệm cũng vậy nó sẽ có công năng trừ phá các vọng niệm đen tối ở nơi tâm của chúng ta, làm cho tâm mê muội mờ ám trở nên sáng suốt. Vì vậy càng tụng kinh niệm Phật nhiều chừng nào thì cúng ta sẽ ít niệm ma chừng ấy. Ma ở đây là tất cả những gì xấu xa đen tối làm hại mình hại người.

Phật tử có thể tùy theo trình độ, hoàn cảnh của mình mà tụng niệm. Nhưng các Phật tử nên nhớ khi tụng niệm thì tâm trí phải gột rửa hết bao ý nghĩ bất chính hay những ham muốn đê hèn và đạc vào dấy hình ảnh của đấng từ bi. Rồi phải noi gương Ngài mà mở lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả. Ðến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình vậy.

Loading...