Vườn tháp Huệ Quang (Tuệ Quang) tọa lạc trên thế đất hàm rồng thờ ngọc cốt của các thế hệ Thiền sư đạo cao đức trọng tu hành tại Hoa Yên qua các thời Trần, Lê…, nơi tụ vượng linh khí của long mạch Yên Tử khởi nguồn từ đỉnh non thiêng theo hướng Bắc Nam.

Ở vị trí trung tâm Vườn Tháp là lăng Quy Đức, trong lăng có Tháp Tổ Huệ Quang lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tháp do vua Trần Anh Tông và Đệ nhị Tổ Pháp Loa cùng các tăng môn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1309), sau một năm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn. Trong tháp thờ Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngồi Thiền dáng khoan thai, an nhàn tự tại được tạc bằng đá cẩm thạch vào thời Lê Sơ.

Trước kia Tháp Tổ là cây hương bằng đá do các Phật tử ở Kinh Môn, Phủ Nam Sách thời Lê cung tiến. Theo sử cũ, ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch tại Am Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử, thi hài được hỏa táng, một phần xá lợi được thờ ở tháp này.

Hơn 700 năm qua, Huệ Quang Kim Tháp đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất vào thời Lê Dụ Tông (1705-1729).

KIẾN TRÚC THÁP HUỆ QUANG

Tháp Huệ Quang hiện đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất vào thời Lê Dụ Tông (1705-1729). Hiện nay chỉ có phần nền và bệ tòa Sen phần đế tháp còn giữ được dáng vẻ ban đầu của nó.

Loading...

Tháp cao 7m. Đế tháp hình lục lăng, chạm trổ hoa văn sóng nước mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Trần.

Chân tháp phình ra hình cổ bồng, phía trên là đài sen có 102 cánh sen đỡ lấy khám thờ ở tầng một. Cánh hoa sen được trang trí hình hoa dây mềm mại mang đặc trưng nghệ thuật thời Trần.

Tháp xây năm tầng, ghép bằng các khối đá xanh. Mái tháp được trang trí hoa văn lá đề với hình rồng mang đậm phong cách thời Trần. Tầng một của tháp, về hướng Nam, có khám thờ bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch, tượng ngồi thiền ở thế liên hoa (hoa sen). Bệ tượng được trang trí hình hoa văn rồng, hoa cúc, hoa sen và mây lửa. Các mảng chạm khắc trên tượng và bệ tượng đều mang phong cách nghệ thuật trang trí thời Lê sơ.

CẢNH QUAN VƯỜN THÁP

Quanh Lăng Quy Đức tọa lạc các tháp thờ Thiền sư có niên đại thời Lê: Tháp Tôn Đức thời Thiền sư Minh Hành (1596 – 1659), tháp Diệu Đăng thờ sư bà Diệu Đăng (? – 1685), tháp Trường Quang thờ sư bà Diệu Tín (? – 1687), tháp Chân Thường thờ Thiền sư Giác Viên Tuệ Hỷ (1656 – 1738), tháp Hoa Quang thờ Thiền sư Tính Hải (1711 – 1770), tháp Tư Hiếu thờ Thiền sư Tịch Phổ (mất ngày 05 tháng 6 năm Kỷ Dậu)…

Qua cổng sau Lăng dẫn lên chùa Hoa Yên là Đường Gạch Hoa Cúc. Những viên gạch lát đường được phục chế theo nguyên mẫu gạch hoa cúc thời Trần. Tọa lạc ở hai bên đường là hai hàng tháp mộ thờ ngọc cốt các Thiền sư. Sau hai hàng tháp là hai hồ nước hình tròn được gọi là hai Mắt Rồng, xưa Đức Tổ trồng sen hái hoa dâng cúng Phật.

Bên Lăng Quy Đức, quanh Vườn Tháp, những cây tùng, cây đại có tuổi hàng trăm năm vươn tán lá che nắng che mưa cho các tháp. Với sự sầm uất của các tháp mộ ở đây, Vườn Tháp Huệ Quang đã trở thành chứng tích khẳng định vị thế quan trọng vào bậc nhất của khu vực chùa Hoa Yên trong quần thể Di tích – Danh thắng núi Yên Tử.

Vườn Tháp Huệ Quang, cũng như các vườn tháp khác trong Khu Di tích lịch sử và Rừng Quốc gia  Yên Tử, là nơi linh thiêng, ở đây lưu giữ “Ngọc Cốt” của các Thiền sư tu hành ở Yên Tử trải qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Đến nay, có một số tháp, mộ còn nguyên vẹn, rõ danh tính, pháp hiệu, nhiều tháp, mộ đã được trùng tu, tôn tạo. Nhưng còn có những tháp, mộ do thời gian năm tháng phôi phai, thiên nhiên hủy hoại trở thành phế tích, không còn dấu tích.

Vườn Tháp Huệ Quang, tập trung nhiều tháp, mộ của các Thiền sư trong Khu Di tích Yên Tử, theo sử sách có tới 97 tháp, mộ tọa lạc nơi đây. Từ năm 1992 đến năm 2002, đã trùng tu 40 tháp, mộ trong đó có 25 tháp gạch, 15 tháp đá. Những tháp tiêu biểu trong Vườn Tháp Huệ Quang như: Tháp Hiếu Từ, Tháp Bảo Quang, Tháp Trường Quang, Tháp Diệu Đăng, Tháp Hoa Quang, Tháp Chân Thường, Tháp Tôn Đức…và Tháp Tổ Trần Nhân Tông là những ngôi tháp còn khá nguyên vẹn, có giá trị về kiến trúc và lịch sử văn hóa tâm linh.

Loading...