Tràng hạt khởi nguồn từ Ấn Độ và đã trở thành một vật quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa của tín đồ các tôn giáo cũng như trong xã hội Ấn Độ cổ. Với Phật giáo, chuỗi tràng hạt là vật tùy thân giúp cho hành giả dễ dàng chú tâm vào đối tượng trì niệm, đây cũng là một sợi dây xâu suốt các ý tưởng thành một trật tự, rồi từ đó hành giả có thể đi sâu hơn vào các trạng thái của định để làm phát khởi tuệ giác.

Tại sao người ta xâu chuỗi kết 108 hạt mà không phải 107 hay 109?

Sở dĩ có con số 108, vì người ta đem 6 căn, 6 trần và 6 thức cộng lại, thành ra thập bát giới (18) và sau đó nhân cho 6 món căn bản phiền não thành ra có con số là 108. Trong khế kinh Phật có dạy, sở dĩ chúng sinh cứ trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi, gốc từ ở nơi vô minh. Mà vô minh có ra, gốc từ ở nơi căn, trần và thức. Thường gọi chung là Thập bát giới.

Nguồn gốc của tràng hạt

Không chỉ Phật giáo mới đề cập đến chuỗi hạt và hướng dẫn việc sử dụng chuỗi tràng hạt để đạt được những giá trị trên con đường tu tập. Bên cạnh đó, người Ấn giáo theo phái thờ thần Siva cũng dùng một loại hạt gọi là rudraka để xâu thành một chuỗi tràng hạt. Trong truyền thuyết kể rằng, đã có lần vị thần này ngắm nhìn thế gian, thấy chúng sinh sống với nỗi khổ cực không sao nói hết đã đau lòng nhỏ xuống những giọt nước mắt, nó mọc thành cây rồi cho ra những hạt đỏ thẫm. Sau đó người ta lấy các hạt ấy làm thành tràng hạt để cầu nguyện với sự tưởng nhớ đến tấm lòng từ bi của vị thần Siva. Hạt đó chính là hạt kim cương mà ngày nay chúng ta vẫn dùng để làm tràng hạt. Có thể thấy, dù trong truyền thống văn hóa cổ xưa của Ấn Độ cũng như các nền văn minh khác của nhân loại, chuỗi hạt đã có từ lâu và gắn với mỗi cộng đồng xã hội nó có một ý nghĩa biểu trưng hoặc có giá trị thẩm mỹ khác nhau. Nhưng với Phật giáo, tràng hạt được đề cập với một vai trò của pháp phương tiện, là pháp khí và công cụ để hỗ trợ việc tu hành đạt giác ngộ.

Tại sao khi niệm Phật, tay phải lần chuỗi?

Đối với những liên hữu nào đã phát nguyện niệm Phật công cứ, theo lời chư Tổ Liên tông đã chỉ dạy, thì cần nên lần chuỗi để tiện bề đếm số đúng như lời mình  phát nguyện. Bởi vì đối với những con người sơ cơ, càng có nhiều nghiệp chướng như chúng ta, tâm chưa thuần nhất, còn dẫy đầy vọng tưởng tạp loạn, thì điều tốt hơn hết nên dùng phương tiện tay lần chuỗi, để khi niệm Phật dễ cột tâm hơn.

Loading...

Ý nghĩa của tràng hạt

Ý nghĩa của chuỗi 36 hạt và 18 hạt có nhiều người cho là không biểu trưng cho pháp số nào trong Phật giáo, và nghĩ rằng nó tương đồng với chuỗi 108 hạt. Theo đó, để tiện cho sự mang đeo, liền chia chuỗi ấy ra thành 3 chuỗi, chia 36 hạt là một chuỗi, hoặc chia chuỗi 108 hạt ra làm 6 xâu, mỗi xâu như thế có 18 hạt, mà không phải có thâm nghĩa nào cả. Tuy vậy, chúng ta cũng cần biết rằng, sự khác biệt của số hạt với mỗi ý nghĩa biểu trưng khác nhau trên đây, là do các vị Bồ tát, hiền thánh tăng, ngay sau khi đức Phật nhập diệt, đã tùy duyên trao phó làm phương tiện giáo hóa, không phải bắt nguồn từ văn của Kinh điển gốc đã nêu. Nghĩa là số lượng các hạt trên tràng hạt là không cố định và bắt buộc.

Khi lần chuỗi hạt có công dụng gì cho việc diệt trừ phiền não hay không

Công dụng của tràng hạt chỉ là một phương tiện như muôn ngàn các phương tiện khác. Họ dùng nó để niệm Phật. Nhờ lần chuỗi ghi số câu mà khiến tâm ít tán loạn hơn. Tuy nhiên, điểm căn bản để diệt trừ phiền não, chính là ở nơi cái tâm. Người niệm Phật, tay lần chuỗi mà tâm lăng xăng, nghĩ xằng, tính bậy, thì đó chỉ là miệng niệm cho có mà thôi, chứ không thể nào kết quả định tâm được.

Chuỗi là tín vật cho việc truyền thừa, kỷ vật. Vì vậy chuỗi tràng trong Phật Giáo ngoài công năng là pháp khí tu hành ra còn là bảo vật của Tam Bảo, tín vật của sự truyền Pháp và là pháp vật chứa đựng công đức, cũng như thần lực rất cao vì tích tụ sự tu trì, công đức của các bậc tu hành. Mục đích chính của việc niệm Phật là để được định tâm. Vì niệm Phật là nhớ Phật, đằng nầy Phật không nhớ, mà nhớ những chuyện khác, nếu như thế thì đâu có đúng ý nghĩa niệm Phật. Thế nên, muốn sớm mau hết phiền não, thì hành giả phải giữ tâm và tiếng cho hợp nhất và phải thường xuyên khắn khít nhau, đồng thời niệm câu hiệu Phật phải thật cho rành rõ.

Loading...